Cuốn sách “bắt lỗi” Nhà giáo Nguyễn Lân: Dù tâm huyết nhưng vẫn nhiều thiếu sót

Tác giả : PGS.TS Lê Đức Luận
.
Việc Hoàng Tuấn Công công bố một công trình khảo cứu tâm huyết và phê bình những chỗ sai trong sách của Nhà giáo Nguyễn Lân là điều đáng ghi nhận. Nhưng cuốn sách của Công không phải là toàn bích, là chỗ nào phê và khảo cứu đều đúng (Lê Đức Luận).
———— 
Chúng tôi viết những bài này là nhằm góp ý cho anh chứ không phải là “bươi móc”, bắt bẻ và cũng không phải cố bảo vệ cho ông Nguyễn Lân như quan điểm của một số bạn trên mạng xã hội. Sau đây là những câu mà theo tôi cần trao đổi:

“Bà dì xù xì xó bếp”

Lời bình của Nhà giáo Nguyễn Lân: Bà dì xù xì xó bếp. Chê những người dì không có tài năng gì. Lời bình của Hoàng Tuấn Công: Giải thích như vậy là lạc đề. Thành ngữ chê người dì xấu tính hoặc không đủ tư cách làm người dì. Không phải chê “tài năng” như GS nói. Câu này đồng nghĩa câu “Bác xác bác xơ”. 
Thực ra, câu này chưa đủ bằng chứng để nói bà dì xấu tính, không đủ tư cách làm người dì. Xó bếp là nơi người phụ nữ thường sinh hoạt bởi công việc nội trợ nấu nướng chăm lo gia đình của họ. Mà ở xó bếp thì nhếch nhác, lôi thôi nên nhìn các bà xù xì, xấu xí, không đẹp đẽ sáng sủa. Câu này có nghĩa bóng là các bà quanh năm quanh quẫn xó bếp, không biết gì về thế sự, quê mùa, lỗi thời. Người phụ nữ như thế thì “không có tài năng gì” theo cách lí giải của ông Nguyễn Lân có thể hiểu được. Còn câu “Bác xác bác xơ” lại thể hiện tình trạng thảm hại, nghèo nàn của người bác, không đồng nghĩa với câu “Bà dì xù xì xó bếp”. Xác xơ cũng như xơ xác: “Nghèo xơ nghèo xác” là rất nghèo. 

“Chết không nhắm mắt được”

Lời bình của Nhà giáo Nguyễn Lân “Chết không nhắm mắt được”. Nói lên sự đau khổ chua xót của cha mẹ trước tội lỗi xấu xa của con cái. Lời phê của Hoàng Tuấn Công: Ai chết không nhắm mắt được? Thành ngữ không chỉ nói “cha mẹ trước tội lỗi xấu xa của con cái” mà có thể những ai đó khi chết còn bị dằn vặt, hối hận bởi sai lầm hay tội lỗi do mình gây ra. Nó cũng là lời nguyền rủa, chửi bới kẻ mà mình căm ghét. 
Thực ra không chỉ có vậy, người chết không nhắm mắt còn có sự tiếc nuối cuộc sống, tiếc nuối chưa gặp mặt người thân xa cách lâu ngày, mong gặp người thân trước khi nhắm mắt, thương con cái còn ngây thơ mà không đành nhắm mắt. Có trường hợp người nhà phải khuyên nhủ, an ủi, người đó mới đành nhắm mắt.

“Thờ thời dễ, gửi lễ thời khó”, “Thờ thời dễ, gửi lễ thời khó”

Lời bình của Nhà giáo Nguyễn Lân: Thờ thời dễ, gửi lễ thời khó Nói sự băn khoăn của người phải gửi đồ lễ đến cúng cha mẹ hay ông bà ở một nơi nào, không biết gửi bao nhiêu là vừa. Lời bình của Hoàng Tuấn Công: Câu thành ngữ này phải viết đúng là: “Thờ thời dễ, giữ lễ thời khó”. (Dị bản: “Thờ dễ, lễ khó”) Nghĩa là việc thờ cúng ông bà cha mẹ không khó, cái khó là thờ cúng phải thật kính cẩn, thật lòng, giữ đúng lễ. Thành ngữ Hán-Việt có nhiều câu đề cao sự “giữ lễ” (kính cẩn, thật lòng) trong khi cúng tế, thờ phụng thần thánh, tổ tiên, (còn được sử dụng dưới dạng hoành phi treo ở gian thờ cúng) như: “Tế thần như thần tại” (Tế thần kính cẩn như thần đang hiện diện trước mặt); “Sự tử như sự sinh” (Thờ người chết kính cẩn như lúc còn sống). Hoặc câu thành ngữ thuần Việt: “Bắt thiếu giỗ, không ai bắt cỗ lưng”, nghĩa là vật phẩm dâng cúng không câu nệ nhiều ít, quan trọng là ý thức của con cháu có giữ lễ (góp giỗ, làm giỗ) hay không.
Quan điểm của Hoàng Tuấn Công không có gì sai nhưng anh quả quyết cho rằng chỉ có “Thờ thời dễ, giữ lễ thời khó” và không có câu “Thờ thời dễ, gửi lễ thời khó”. Tục ngữ, thành ngữ có nhiều dị bản và trong nhiều câu bản thân Hoàng Tuấn Công cũng “phê” cụ Nguyễn Lân không chỉ có bản này mà có các bản khác. Bên cạnh câu “Thờ thời dễ, giữ lễ thời khó” thì vẫn có câu “Thờ thời dễ, gửi lễ thời khó” và lời bình của cụ Nguyễn Lân là đúng. Câu “Bắt thiếu giỗ, không ai bắt cỗ lưng” nói về việc cúng bái, cốt lòng thành, chủ yếu là hướng về người cúng lễ, chủ lễ còn người đi gửi lễ thì khác. Gửi lễ còn phụ thuộc vào phong tục của từng vùng, nếu không biết thì thật là khó xử. Tôi nhớ lần ông chú gọi bà nội tôi bằng O (cô) mất ở Huế, tôi đến viếng khi ông đã chôn cất rồi. Tôi cứ nghĩ như ở quê tôi và một số nơi khác, mua hoa quả, đồ cúng nhưng gia đình không nhận, bắt để ngoài mang về vì phong tục ở Huế là khi người mất đã đưa ra nơi an nghỉ thì người đến viếng chỉ đến tay không, chỉ đến thắp hương thôi. Ông chú tôi vốn cùng quê nhưng vào Huế sinh sống thì “nhập gia phải tùy tục”. Những lễ lớn, mà chủ lễ là người giàu, người nghèo thật khó đi lễ, không biết ý họ thế nào mà đi cho phải. Đi gửi lễ không chỉ để cúng mà thực ra cúng đã có gia chủ lo rồi mà chủ yếu là để tham gia vào việc tiệc lễ nên đi ít, không phải gia chủ nào cũng hài lòng mặc dù không nói ra. Muốn giữ thể diện phải cố gửi lễ kha khá, không thì tìm cách cáo.

Bàn thêm về “Lành làm gáo, vỡ làm môi” và “Lành làm thúng, thủng làm mê”
Dân gian mục đích muốn làm gáo và làm thúng nhưng sự thể diễn ra không như ý muốn thì gáo vỡ có thể làm môi và thúng thủng có thể tận dụng làm mê. Người ta có thể hạ mình, xuống cấp trong một tình huống không hay xẩy ra. Tuy nhiên, câu “Lành làm thúng, thủng làm mê”, từ “thủng” có thể được nói cho vần vè chứ thực tế xẩy ra thường là xể vành, đứt vành và như vậy thúng xể có thể làm mê được. Tình huống này ý của GS.Lân là hợp lí. Nhưng lí giải của Hoàng Tuấn Công chỉ đúng với vế sau “sẵn sàng chấp nhận mọi tình huống, kể cả sự đổ vỡ”. Người ta muốn yên lành, không ai muốn đổ vỡ nhưng tình thế xảy ra thì cũng chấp nhận, không chấp nhận cũng khó lòng cứu vãn. Người ta chấp nhận tình thế như sự đã rồi. Còn vế trước “không sợ đụng chạm, không sợ hỏng việc” là chưa đúng. Thái độ sẵn sàng thua đủ như vậy không phù hợp với hai câu này. Hai câu này nói về mối quan hệ giữa chủ nhân và vật sở hữu chứ không phải quan hệ giữa hai đối tượng xa lạ mà bất chấp. Xứng đáng thì ta cho làm gáo, không xứng thì ta làm môi, thế thôi, kiểu ứng xử linh hoạt, không vứt bỏ mà tận dụng. Như vậy, hai câu này có khả năng đa nghĩa, mỗi nghĩa ứng với một hoàn cảnh nhất định.

Đồng ruộng
Ông Nguyễn Lân giải nghĩa từ: Đồng ruộng. Nông thôn nói chung: Trở lại đồng ruộng xí nghiệp, công trường. Hoàng Tuấn Công phê: “Nông thôn nói chung” có nghĩa rộng hơn “đồng ruộng” nhiều. Nó bao gồm cả cảnh quan, đường sá, ruộng đồng, làng mạc, nhà cửa….Trong khi “đồng ruộng” chỉ là khu ruộng, mảnh đất phục vụ cho việc cấy cày, trồng trọt mà thôi. Giống như “xí nghiệp, công trường” không phải thành thị nói chung mà là nơi làm việc của công nhân.
Hoàng Tuấn Công cắt nghĩa nông thôn là đúng nhưng giải nghĩa từ “đồng ruộng” chỉ là khu ruộng, mảnh đất phục vụ cho việc cấy cày, trồng trọt chưa đúng. Khu ruộng, mảnh mất là một khu vực hạn chế, còn “đồng ruộng” có nhiều khu ruộng, mảnh đất trồng trọt, tương ứng với cánh đồng, là khoảng không gian đất dùng cho việc cày cấy, trồng trọt. Các từ “xí nghiệp, công trường” cũng được Hoàng Tuấn Công giải nghĩa rất hẹp, chúng không chỉ là nơi làm việc của công nhân. “Công trường” là nơi tiến hành công việc xây dựng hoặc khai thác, có tập trung người và phương tiện; còn “xí nghiệp” là cơ sở sản xuất, kinh doanh. Trong hai đơn vị này, người làm công là công nhân và có thể chưa phải công nhân.
“Đồng ruộng” có thể gọi là nông thôn khi dùng biện pháp hoán dụ, lấy vật đại diện thay cho toàn thể. Anh Công phê ông Nguyễn Lân giải nghĩa của từ hẹp hơn nghĩa vốn có của nó nhưng anh lại mắc phải lỗi đó.

————- 

http://infonet.vn/cuon-sach-bat-loi-nha-giao-nguyen-lan-du-tam-huyet-nhung-van-nhieu-thieu-sot-post236087.info