Caveman Returns- Một chút hoài niệm

Tác giả: Nguyễn Quang Dy

.Hơn 42 năm sau Chiến tranh, dường như não trạng người Việt vẫn chưa ra khỏi hang tối của thời hoang dã chính trị (Nguyễn Quang Dy)

——————   

Tôi đọc bài này của Đào Hiếu trong lúc thiên hạ lại đang bàn luận về cuộc chiến “Việt Nam 1967” và về bộ phim “Vietnam War” của Ken Burns và Lynn Novik. Dường như người Mỹ và người Việt vẫn đang bị ám ảnh bởi bóng ma chiến tranh. Dường như có một cuộc chiến khác vẫn đang tiếp diễn, hơn 42 năm sau khi Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc.  

Bài viết của Đào Hiếu tuy đơn giản nhưng khá hay. Nó hay không phải chỉ do người viết, mà chủ yếu vì câu chuyện của Võ Thị Thắng đầy uẩn khúc và cay đắng. Nó đáng suy ngẫm vì ẩn chứa nhiều tình tiết còn chưa sáng tỏ. Có nhiều câu chuyện tương tự như vậy, mà đằng sau đó là bi kịch lớn của một dân tộc, gần như là một lời nguyền hay định mệnh (karma).

Những người đồng chí cùng “bên thắng cuộc”còn đối xử với nhau như vậy, thì nói gì đến “bên thua cuộc”. Liệu có thể hòa giải được không? Và bắt đầu từ đâu? Liệu Nguyễn Hữu Thỉnh có thể dễ dàng hòa giải được với Phan Nhật Nam hay không? Liệu Nguyễn Thanh Tú có tha thứ cho những kẻ đã sát hại bố mình (và những nhà báo gốc Việt khác)?

Tại sao người Đức làm được những gì mà người Việt vẫn không làm được, để thực sự hòa giải và thống nhất đất nước họ? Tại sao đến giờ Việt Nam vẫn “hồn nhiên” cử đặc vụ sang Berlin bắt cóc TXT, bất chấp luật pháp và hệ lụy? Hơn 42 năm sau Chiến tranh, dường như não trạng người Việt vẫn chưa ra khỏi hang tối của thời hoang dã chính trị.  

Đó là những điều đáng suy ngẫm, cùng với một chút hoài niệm về VTT. Tuy tôi không quen biết và cũng chẳng “bà con” gì với VTT, nhưng tôi có cảm tình với nhân vật này. Đơn giản vì khi còn là một sinh viên, cũng như nhiều người khác, tôi đã bị ấn tượng mạnh bởi tấm hình VTT đăng trên các báo thời đó (năm 1968), với nụ cười huyền thoại.

Năm 1973, tôi tình cờ gặp VTT trong đợt trao trả tù chính trị tại Lộc Ninh. Hôm đó, tôi bay cùng chuyến trực thăng chở phái đoàn Ủy ban Quốc tế từ Sài Gòn ra Lộc Ninh để giám sát trao trả. Chúng tôi được biết là trong số tù hôm đó có hai nhân vật là VTT và HTM (Huỳnh Tấn Mẫm), nên phải đấu tranh để đòi trao trả bằng được, nếu không họ có thể bị thủ tiêu.

Đó là chuyến bay định mệnh đối với tôi (và cả VTT). Hôm đó, thời tiết xấu có nhiều mây mù nên phi công không nhìn thấy Quốc lộ 13, có lúc bay ra ngoài hành lang quy định, nên bị pháo VC bắn (chắc là bắn “cảnh cáo” chứ bắn thật thì trúng rồi vì bay khá thấp). Bay đến An Lộc, phi công người Mỹ hạ cánh, không chịu bay tiếp đi Lộc Ninh nữa.

Anh ta gọi điện đàm về TSN báo do mây mù, không nhìn thấy đường, nên bay lạc ra khỏi hành lang, bị pháo VC bắn, nếu bay tiếp sẽ rất nguy hiểm. Tôi cố vận động các sỹ quan trong phái đoàn UBQT đòi bay tiếp, vì họ chia làm hai phái tranh cãi. Tôi lập luận là đã bay được nửa đường rồi, giờ bay về Sài Gòn cũng có thể bị bắn, vì vậy nên bay tiếp. Đến Lộc Ninh chúng tôi sẽ yêu cầu cấp trên điện cho các đơn vị dọc đường không được bắn.

Tôi cố thuyết phục phi công là nếu bay thật thấp thì sẽ không bị sương mù, và để các đơn vị pháo dọc đường nhìn rõ ký hiệu máy bay UBQT. Tôi sẽ thắt dây an toàn, mở cửa ngồi sát mép để dưới mặt đất nhìn thấy. Tôi cam kết nếu bị bắn tiếp chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm. Cãi nhau mãi gần nửa tiếng, tay phi công Mỹ mới chịu bay tiếp. Lúc bay qua các trận địa pháo dọc đường (37 ly hoặc 12,7 ly), tôi giơ tay vẫy, thấy lính dưới đất cũng giơ tay vẫy.  

Thật là hú vía. Chúng tôi thoát chết và VTT cũng thoát nạn. Tuy chuyến bay của chúng tôi đến Lộc Ninh bị muộn, nhưng vẫn kịp giám sát thủ tục trao trả. Tôi hỏi VTT ngồi đâu để nhờ đứa bạn người Hung trong UBQT chụp hình. Tôi vẫn nhớ khuôn mặt VTT lúc đó, trong bộ quần áo tù màu đen (tuy không thấy rõ nụ cười). Tôi định sau chiến tranh sẽ gặp lại VTT để tặng tấm hình chụp vội hôm đó, nhưng không có dịp. Đó cũng là một hoài niệm về “Nỗi buồn Chiến tranh” mà chắc VTT đã mang theo sang thế giới bên kia…

Thiện tai, thiện tai!

NQD. 16/9/2017