Tái ông thất mã’

Ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, thay vì thanh minh nên xin lỗi (An Nguyên)
.
KD: Xin lỗi ư? Tác giả bài viết rất thiện chí nên đề nghị ông Triệu Tài Vinh xin lỗi. Nhưng việc xin lỗi của ông này, thực ra không “xứng tầm” với những hành vi sai phạm khôn ranh theo “cái lý người Mèo” của ông. Trước hết là việc họ hàng hang hốc, anh chị em, chú bác của ông nắm rất nhiều quyền lực, mà cư dân mạng đã phải thiết kế thành “Cây danh gia vọng tộc”. Đó là gì nếu không phải là tham nhũng quyền lực?
.
Thứ hai, việc con gái ông và hai cháu ruột ông đều trong danh sách được nâng điểm, nói điều gì? Chả lẽ Vũ Trọng Lương đi làm cái chuyện “người xấu việc xấu” không công, nếu như chí ít không có sự chỉ đạo, nhắn nhủ tế nhị, thì cái việc Lương bị truy tố, bị bắt, tiêu hủy cả thanh danh một người thầy, chỉ có thể Lương bị tâm thần nặng
.
Nên nhớ, đặc điểm miền núi, vùng người dân tộc, thì tính cách “vua Mèo” vẫn rất nặng kiểu cha truyền con nối, phong kiến làng bản. Một việc xấu có khi dân biết nhưng chả ai dám mở miệng.
.
Hiện tượng thi cử Hà Giang hiện nay, vụ việc nhục nhã Sầm Đức Xương, Nguyễn Trường Tô trước đây, và câu chuyện “Danh gia vọng tộc” Triệu Tài Vinh trở thành nỗi nhức nhối trong mắt người dân, thách thức ký luật của Đảng, Nhà nước về phẩm chất cán bộ cốt cán của guồng máy chính trị
—————– 
Dù việc sửa điểm cho con là ý chí của ông hay cấp dưới tự làm, thì đứng đầu một địa phương mà trong đó, cấp dưới lạm dụng quyền lực để hành xử sai pháp luật là điều không thể chấp nhận.

Đặc biệt, việc hành xử sai pháp luật đó mang lại “lợi ích” cho các quan chức, những người có quyền trong địa phương mình.

Giáo dục là một lĩnh vực không chỉ ảnh hưởng trước mắt. Nếu ta gieo một hạt dối trá bây giờ, tương lai sẽ gặt một thế hệ không tôn trọng tinh thần trung thực. Nếu đúng không cần sửa điểm, con gái ông Vinh vẫn có thể đậu đại học như ông nói, thì nếu việc sửa điểm là ý chí của ông thì chính ông cũng đã tự gieo mầm háo danh và giả dối. Nếu, việc sửa điểm là tự ý cấp dưới – mà ông không xử lý nghiêm – thì chính ông cũng đang dung dưỡng những phần tử trong bộ máy dưới quyền chú trọng nịnh bợ cấp trên thay vì thượng tôn pháp luật.

“Tái ông thất mã”, trong phúc có họa, trong họa có phúc. Phát hiện ở Hà Giang (sắp tới cũng có thể là Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình… hay tỉnh nào đó nữa) cho thấy một sự thật đau lòng, nhưng đồng thời cũng là một cơ hội để địa phương và Bộ GD-ĐT gửi một thông điệp mạnh mẽ: Môi trường giáo dục không bao giờ dung thứ sự giả dối. Rất có thể sự kiện Hà Giang chỉ là phát hiện của năm nay chứ không chỉ năm nay mới có. Nếu nương tay với vụ Hà Giang, thì không chỉ những học sinh hưởng lợi từ sự gian dối của những năm trước vẫn có thể rung đùi, không ai đảm bảo rằng, những năm sau tệ nạn này sẽ không tái diễn.
Tuy nhiên, không chỉ mạnh tay với tiêu cực, ngành giáo dục cần một sự đổi mới căn cơ. Đổi mới giáo dục mà lấy “thi làm đột phá” là hỏng rồi. Bởi lẽ, tiến bộ của khoa học và công nghệ hiện nay đã làm thay đổi căn bản phương thức học và phương thức dạy học. Công nghệ đã làm thay đổi cả thế giới, cách sử dụng tri thức và thu nạp tri thức đã hoàn toàn khác trước. Cái chúng ta cần là đổi mới cách học, đổi mới cách dạy chứ không phải “đổi mới thi”. Chưa kể 1 kỳ thi 2 mục đích rõ ràng là điều không tưởng và hậu quả thì không phải đến “Hà Giang” mới thấy.
Ưu điểm duy nhất của “2 trong 1” là tiết kiệm chi phí, sức lực cho phụ huynh nhưng khi mà nó không thể nào tổ chức được nghiêm túc thì cái gọi là “tiết kiệm” kia là vô nghĩa. Cần giao quyền xét tốt nghiệp THPT cho các Sở GD-ĐT, nếu luật Giáo dục yêu cầu thi thì Sở GD-ĐT tổ chức thi. Cũng cần nghiêm túc xem xét đề nghị xét tốt nghiệp thay vì thi. Việc tuyển sinh giao cho các trường ĐH tự chủ (các trường có thể liên kết với nhau để tổ chức thi), trong trường hợp đặc biệt Bộ có thể hỗ trợ cung cấp đề thi. Bộ GD-ĐT nên dành tâm sức thực hiện sứ mệnh quản lý nhà nước về giáo dục, đừng mất thời gian để xoay quanh một kỳ thi.
————