Tác giả: theo FB Trương Duy Nhất
Theo BBC: Nhà báo Bùi Tín qua đời lúc 1:25 sáng, giờ địa phương ngày 11/8 tại bệnh viện André Grégoire ở Montreuil, ngoại ô Paris, Pháp, hưởng thọ 91 tuổi (ngày 1/7 âm lịch).
.KD: Từ Nghệ An, trên đường trở về Hà Nội, mình bất ngờ liên tục nhận được tin nhắn của bạn bè thông báo- Nhà báo Bùi Tín đã qua đời. Đã biết việc gì đến sẽ phải đến mà vẫn không tránh khỏi bàng hoàng…
Ông là một nhân vật- một nhà báo “đặc biệt” bởi số phận “đặc biệt”. Đặc biệt từ số phận sinh thành- là “con trai của Thượng thư Bùi Bằng Đoàn -của triều đình Nguyễn và sau là một bộ trưởng trong chính phủ Việt Minh của Hồ Chí Minh- BBC”. Cho tới những thăng trầm, chìm nổi, chứng kiến bao dâu bể của đất nước, với tư cách nhà báo, để rồi cuối cùng từ giã cuộc đời tại Paris.
Một số phận đặc biệt và con đường đi cũng quá đặc biệt, nếu chỉ nhìn bằng con mắt đời thường, nông cạn, hời hợt- sẽ không thể hiểu sâu được để nhìn nhận một “hiện tượng”, vì vậy, mọi lời bình luận rút cục vẫn có thể chỉ… đứng ngoài cánh cửa của những khát vọng, những khổ đau day dứt, trước một quyết định chọn lựa, chấp nhận tất cả cay đắng với biết bao đánh giá trái ngược, cả hoài nghi, ca ngợi lẫn thị phi, cả nổi tiếng lẫn tai tiếng…
Lịch sử rồi đây, đến lúc nào đó, sẽ phải có cái nhìn thấu đáo hơn, sâu sắc hơn, khách quan hơn.
Mình chưa bao giờ đăng bài viết của nhà báo Trương Duy Nhất, từ sau khi ông ra tù. Có lẽ bởi quan niệm có nhiều điều khác nhau. Nhưng đây là bài viết mình muốn đăng lại. Vẫn là quan điểm riêng của TDN, tuy nhiên, chứa đựng trong đó là sự trân trọng tất cả những tấm lòng, những số phận mong muốn vì đất nước, dù trong nước hay nước ngoài, dù tù tội hay tự do, dù quan điểm khác nhau.
Bởi Yêu nước không phải là “đặc quyền” của riêng ai!
Trương Duy Nhất đã nói đúng, Bùi Tín rất muốn được trở về để “chết trên quê hương”, để được nhấm nháp ly cafe bên bè bạn thân thương…Quê hương, mảnh đất Việt Nam đau thương mãi mãi là xứ sở chôn nhau cắt rốn của ông. Đăng bài này, xin như một nén nhang thắp cho ông- một nhà báo “đặc biệt”, có số phận “đặc biệt”, mà nụ cười lẫn nước mắt đều phải chảy ngược, xót thương… 😦
Khi đăng hai bức ảnh Cha- con cạnh nhau, tin rằng anh hồn người con trai của Cụ Bùi- Bùi Tín- sẽ mỉm cười thanh thản… 😦 😦 😦
————————-
Ảnh từ trái sang phải: Cụ Bùi Bằng Đoàn, thân sinh nhà báo Bùi Tín: 17 tuổi Cụ đỗ Cử nhân. 23 tuổi làm “Quan huyện”. 44 tuổi làm Thượng thư Bộ Hình (Bộ trưởng Tư pháp bây giờ). Nhà báo Bùi Tín- khi còn ở Việt Nam
Bùi Tín. Không quen, cũng chưa có cơ hội gặp. Nhưng tôi vẫn tâm nguyện rằng sẽ tìm ông, nếu dịp nào đó ngao du đến Pháp.
Nhưng không kịp. Ông đi mất rồi.
Như nhiều nhân vật bất đồng chính kiến khác đang sống lưu vong, mà tôi đã có cơ duyên trò chuyện. Trong số họ, không phải ai cũng tự tìm đường ra đi, nhiều người thoát khỏi ngục tù là bị trục xuất với đôi dép tổ ong rời tổ quốc.
Khi còn trong tù, Hải Điếu Cày đã từng trằn trọc, đắn đo suốt hai tháng sau khi được đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ vào thăm, và “được” Bộ Công an Việt Nam yêu cầu anh phải rời tổ quốc. Anh thức đến rạc người trong những tính suy, chọn lựa. Và chính tôi, là người khuyên anh nên ra đi. Án anh quá dài, anh không thể chết trong tù. Anh ra đi, để còn có thể trở về, để còn cơ hội gặp lại gia đình, vợ con.
Nghe đâu, Bùi Tín cũng từng thổ lộ rằng ông muốn về để… chết trên quê hương.
Song, không phải ai trong số họ cũng trở về được như Phạm Duy.
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, cũng từng có lần thổ lộ với tôi về cái khao khát, ước ao được ngồi uống cốc cafe bên ghế đá Hồ Gươm, Hà Nội.
Hải Điếu Cày. Tôi đã từng đứng bên anh, ngừoi bạn tù thân quí của mình, từ bên kia Thái Bình Dương nhìn ngóng về tổ quốc. Hiểu nỗi lòng anh, tôi buột miệng ước rằng: Giá như có một chiếc cầu, hoặc con đường hầm xuyên Thái Bình Dương, để tôi có thể ôm vô lăng lao xe vun vút chui dứoi lòng đại dương mênh mông kia, chở anh về đất mẹ.
Dịp ngao du Mỹ 2 năm trước, anh Mặc Lâm, cựu Tổng biên tập RFA Việt ngữ đã rất thật với tôi rằng: ước sao được một lần về lại, chỉ để nấu vài món nhậu mời Bọ Lập (nhà văn Nguyễn Quang Lập) và văn hữu Sài Gòn.
Rồi Vũ Thư Hiên. Tôi thầm ước một lần được ôm ông. Vẫn giữ khư khư cuốn “đêm giữa ban ngày” để chờ được chính tay ông ký tặng. Cuốn “hồi ức chính trị của một người không làm chính trị”, chúng tôi bí mật truyền tay nhau đọc từ khi còn là một bản photo nhàu nát, gần hai chục năm trước.
Chưa có cơ duyên gặp ông. Nhưng tôi đã gặp, trò chuyện nhiều với em gái ông, cháu ông, và nhiều bạn viết thân quí của ông. Khi tôi vừa ra tù, biết được ý định lập “bảo tàng kỷ vật tù” của tôi, chính ông là người đầu tiên gửi góp về cho cái “bảo tàng kỷ vật” ấy chùm ảnh bộ quần áo tù của ông. Tôi khóc, khi nhận được seri ảnh này. Một bộ đồ tù không phải loại kẻ sọc Juventus lành lặn như thế hệ tù chúng tôi sau này. Đó là một bộ đồ tù rất đặc biệt, màu nâu gụ, vá chằng vá đụp.
Thế đấy. Hỏi sao họ không đau vì đất mẹ. Khát vọng trở về trong họ là có thật. Ai chẳng thế. Có ngừoi con nào lại dứt bỏ mẹ tổ quốc? Họ, trong nhiều hoàn cảnh, ra đi cũng chỉ bất đặng đừng, để đấu tranh cho mục tiêu dân chủ hoá đất mẹ, và cũng là để tìm hướng trở về.
Bao giờ, để tất cả họ, lớp ngừoi ra đi như giáo sư Đoàn Viết Hoạt, Bùi Tín, Vũ Thư Hiên, Mặc Lâm… và ngừoi bạn tù thân quí Nguyễn Văn Hải Điếu Cày của tôi được trở về? Hoặc họ chưa được trở về, thì tôi còn kịp để một vòng khắp nơi giang tay ôm mỗi ngừoi trong số họ một lần. Không để trễ như hôm nay, khi tôi phải viết những dòng này thay nén nhang tiễn biệt anh Bùi Tín. Vâng, một ngừoi anh khả kính, dù chưa kịp gặp một lần.
Đọc thêm:
.NHỚ LẦN ĐƯỢC GẶP NHÀ BÁO BÙI TÍN
.Tác giả: Trần Đình Thu (theo Blog Tễu)
…
Quãng năm 1984 thì ông mới năm sáu năm bảy tuổi, tướng tá cao lớn đẹp trai trí thức, đến nói chuyện với sinh viên trong tư cách là Phó tổng biên tập báo Nhân Dân, oai phong ghê gớm. Quá lâu rồi tôi không nhớ ông nói những nội dung gì, chỉ nhớ ấn tượng về một ông cán bộ cao cấp đến nói chuyện với sinh viên mà thôi.
…
Đến năm 1990, thông tin ông đi công tác ở Pháp rồi xin ở lại tị nạn chính trị rộ lên. Tôi nhớ lúc ấy đài BBC liên tục nói về chuyện này. Vào lúc ấy chưa có vấn đề bất đồng chính kiến như bây giờ mà xã hội khá bình lặng, nên câu chuyện của ông là một ca lạ.
…
Về phần ông, dường như ông cũng chưa bao giờ tiết lộ lý do thật vì sao ở lại Pháp, trong khi ông đang ở một vị trí rất dễ lên cao. Có lẽ đây cũng là một bí ẩn chính trị.
…
Về mặt sâu xa, ông không phải là một nhà bất đồng chính kiến như ông Cù Huy Hà Vũ, dù rằng sau này ông có viết sách và trả lời phỏng vấn như một nhà bất đồng chính kiến. Lý do ở lại Pháp là một bí ẩn không bao giờ được tiết lộ vì nay ông đã mãi mãi đi xa.
Bạn phải đăng nhập để bình luận.