Tác giả: Nguyễn Sĩ Dũng
Giữ gìn nước mắm truyền thống trước hết là trách nhiệm của các cơ quan quyền lực công, bởi vì rằng chúng được sinh ra là để bảo vệ các lợi ích công. Chuyện Masan tìm cách thao túng thị trường cho nước mắm công nghiệp là điều dễ hiểu. Chuyện Cục chế biến & phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) vô tình hay cố ý tạo điều kiện cho Masan là khó chấp nhận được! (NSD)
KD: Vừa đi du lịch từ Đài Loan trở về, đọc lướt trên mạng, thấy nước mắm truyền thống đang bị nước mắm công nghiệp “oánh”. Mà thứ vũ khí lợi hại của nhóm Masan sản suất nước mắm công nghiệp là được cả Cục chế biến & phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT)” hỗ trợ bằng “chính sách nhà nước”.
Nước mắm truyền thống với người Việt nhiều thế kỷ nay đã thành một thứ “quóc hồn quốc túy” không thể thiếu trong mâm cơm người Việt. Ngay trong chuyến đi Đài Loan mới đây, dù nước chủ nhà không thiếu gì các loại nước chấm (nước tương), nhưng khách du lịch như bọn mình bữa nào cũng có một vài bát nước mắm truyền thống, dằm ớt thật cay theo yêu cầu mà bạn hướng dẫn viên phải mang từ VN sang. Có bữa, hai đứa em gái mình trong đoàn bị cảm lạnh, không ăn nổi các món ăn Đài Loan, chỉ xin nước mắm ớt ăn với cơm gạo trắng, dẻo, thơm của nhà hàng, đủ biết, nước mắm truyền thống với bữa ăn người Việt là thứ tình yêu không thể thiếu, như hình với bóng.
Nay không hiểu vì sao, nước mắm công nghiệp của Masan trong sự “tìm cách thao túng thị trường” lại được “Cục chế biến & phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT)” dùng hẳn văn bản chỉ thị để tạo điều kiện cho nước mắm công nghiệp lên ngôi.
Mình đã lọ mọ đi tìm bản chất “nước mắm công nghiệp” là gì? Theo trang ĐÁNH GIÁ NƯỚC MẮM, thì nước mắm công nghiệp hiện nay nguyên liệu chính của sản phẩm này là nước mắm cốt được sản xuất theo phương pháp truyền thống hoặc được thu mua từ những nhà thùng sản xuất nước mắm truyền thống. Sau đó, nguồn mắm cốt này sẽ được pha chế theo công thức đặc biệt của mỗi doanh nghiệp để tạo nên thành phẩm nước mắm cuối cùng đến tay người tiêu dùng”
Như vậy, bản chất “nước mắm công nghiệp” là thứ nước mắm “ăn sẵn”, “bóc lột” nước mắm truyền thống, được pha chế thêm những công thức đặc biệt (hương liệu) của mỗi doanh nghiệp.
Nước mắm truyền thống bị cạnh tranh, không sống nổi, kéo theo sự lao đao của hàng ngàn hàng vạn hộ dân chuyên sống bằng nghề này đã đành, mà quan trọng không kém, thứ “quốc hồn quốc túy” rất chân quê của người Việt mất đi- cũng là mất đi thứ bản sắc văn hóa ẩm thực, tuy có khi chỉ bằng một thoáng mùi vị của khứu giác- nhưng lại làm nên sự đặc sắc mà thiếu nó, bữa ăn của người Việt thiếu hẳn cái chất “người Việt”- mà vì nó- người ta phân biệt rất rõ, món ăn của người Việt với các quốc gia châu Á khác.
Ẩm thực các quốc gia tồn tại được, và làm nên bản sắc riêng của mỗi quốc gia, không phải bằng gà lợn thịt cá đâu, mà bằng muôn ngàn loại gia vị, loại nước chấm đặc sắc của các quốc gia đó! Xin đừng coi thường nó, nhất là các vị lãnh đạo cao cấp có trách nhiệm với quốc gia, dù các vị hưởng nhiều cao lương mỹ vị của nhân loại
Chả thế, mà theo báo Tuổi trẻ, “đầu bếp lừng danh Didier Corlou, từng là bếp trưởng của khách sạn Sofitel Metropole Hà Nội trong 14 năm, thành viên Viện hàn lâm nấu ăn Pháp, và bếp trưởng giành giải 5 Stars Diamond Award… lại được truyền thông yêu mến đặt cho ông biệt danh là “ông Tây nước mắm” vì đã dành nhiều thời gian tìm hiểu bằng được công thức cất nước mắm, và thậm chí ông còn tổ chức một cuộc hội thảo về nước mắm.
Theo Didier Corlou, các món ăn Việt Nam có những vị khác nhau tùy thuộc vùng miền. Ví dụ, ở miền Bắc, mọi người thường ăn nhiều rau củ quả. Ở miền Trung, thức ăn nóng và cay. Do khí hậu nhiệt đới, ẩm thực miền nam có vị ngọt và chua. Nhưng tất cả 3 vùng miền Bắc – Trung – Nam đều được kết nối bằng nước mắm. Điều thú vị của nước mắm Việt Nam là tất cả vi khuẩn trong nước mắm đều thể hiện vai trò của nó, đều có lý do tồn tại và đều có lợi cho sức khỏe. Nó cũng giống như các loại vi khuẩn biến sữa thành phô mai vậy”
Không biết, nay mai, Didier Corlou có bỏ công nghiên cứu và viết về “nước chấm công nghiệp” của Masan không nhỉ?
Nước mắm truyền thống dường như chỉ có vị mặn của cá biển, và mồ hôi, nước mắt người lao động VN một nắng hai sương
Nước mắm công nghiệp có vị gì? Hay có đậm đà mùi vị của sự “bóc lột” người lao động, và mùi vị của nhóm lợi ích???
——————–
Cũng giống như phở, nước mắm là quốc hồn, quốc tuý của Văn hoá ẩm thực Việt Nam. Giữ gìn nước mắm truyền thống vì vậy có ý nghĩa to lớn không chỉ về kinh tế- xã hội, mà còn cả về văn hoá và bản sắc của người Việt.
Giữ gìn nước mắm truyền thống trước hết là trách nhiệm của các cơ quan quyền lực công, bởi vì rằng chúng được sinh ra là để bảo vệ các lợi ích công. Chuyện Masan tìm cách thao túng thị trường cho nước mắm công nghiệp là điều dễ hiểu. Chuyện Cục chế biến & phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) vô tình hay cố ý tạo điều kiện cho Masan là khó chấp nhận được!
Để bảo vệ được thanh danh của mình (cũng như của Bộ NN& PTNT), Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản phải giải trình được cho xã hội về mục đích của việc xây dựng dự thảo TCVN-12607:2019 quy phạm thực hành sản xuất nước mắm.
Tiếp tục đọc →