Giải thích Luật Biển và nội dung liên quan đến việc kiện Trung Quốc.

Tác giả: Chuyên gia Vũ Quang Việt và Luật sư Tạ Văn Tài

.KD: Trước tình hình XH có rất nhiều ý kiến xung quanh vụ việc bãi Tư Chính và đòi khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án QT, mới đây, một số chuyên gia, luật sư am hiểu về Luật Biển có trao đổi về vấn đề này. Nhận thấy đây là những kiến thức rất cơ bản xung quanh chủ quyền biển đảo, chủ Blog xin phép được đăng lên để bạn đọc hiểu rõ những vấn về căn cốt, thuộc về chủ quyền đất nước và của luật pháp quốc tế

.Trân trọng cảm ơn các anh Vũ Quang Việt, Tạ Văn Tài. Xin đăng lên để bạn đọc chia sẻ những kiến thức cực kỳ cần thiết

————–

  1. Việt Nam không thể kiện TQ “xâm chiếm gây hấn với chủ quyền biển đảo của Việt Nam ở Biển Đông”. Muốn kiện về chủ quyền đảo/đá thì Trung Quốc phải đồng ý ra tòa, đó là nguyên tắc của Luật Biển khi hai nước hay hơn có tranh chấp chủ quyền. Nếu TQ không đồng ý thì tòa luật biển không có quyền xử.  

  1. Trước đây Phi không kiện TQ về vấn đề chủ quyền Đảo hay đá ở Biển Đông mà yêu cầu Tòa phán quyết về áp dụng và giải thích luật biển ở khu Biển Đông, nơi có tranh chấp giữa Phi và TQ: cái nào là đảo/đá/bãi chìm, và tính hợp pháp của yêu sách chủ quyền biển trong đường chữ U  dựa vào lịch sử của TQ? Tòa tuyên là:

a) Trong khu tranh chấp ở Biển Đông, không có cái nào là đảo (Island), mà chỉ có đá (rocks). Đảo phải tự nó có thể nuôi sống con người ở đó, tức là không phải mang thực phẩm hay nước từ nơi khác đến.

b) Đá (rocks) phải nổi lên trên mặt nước khi thủy triều lên. Một quốc gia có thể có chủ quyền đá, nhưng chỉ có chủ quyền 12 dặm biển chung quanh đá.

c) Không ai có thể có chủ quyền ở bãi chìm.  Bãi Tư Chính là bãi chìm nên tự nó không thể tạo ra chủ quyền cho bất cứ nước nào. Tuy nhiên vì bãi Tư Chính rất lớn, nên một phần chồng lấn lên EEZ (vùng đặc quyền kinh tế) của VN tính từ đường cơ sở ở bờ biển VN, hay nằm trong Thềm lục địa tính từ bờ. Trường hợp này VN có quyền chủ quyền, tức là quyền khai thác tài nguyên ở đó (như khoan dầu, đánh cá) ở chỗ nằm trong EEZ hay Thềm lục địa của VN. VN hoàn toàn không có quyền gì đối với phần còn lại của bãi chìm Tư Chính. TQ đi vào khu vực EEZ hay Thềm lục địa thuộc quyền chủ quyền  của VN thì phải báo cho VN, và nếu nghiên cứu phải được VN cho phép.

d) Cho nên khi TQ đi vào khu thuộc quyền chủ quyền của VN thì VN có thể phản đối. Nhưng dùng chữ “xâm lược” là nói hơi quá lên. Vì “xâm lược” thường được hiểu là đem quân vào đánh chiếm đất thuộc chủ quyền của nước khác.

e) Một phần khu vực Tư Chính thuộc thềm lục địa VN. Liên quan đến phần thềm lục địa này, VN đã cùng Mã Lai đồng thuận phân chia. Mã Lai và VN đã nộp đồng thuận này cho Ủy ban Thềm Lục Địa của LHA năm 2009 (trước khi có phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế vào năm 2016). TQ phản bác, rồi Mã Lai và VN phản bác lại. Cho đến nay Ủy ban chưa đưa ra ý kiến chính thức (tôi chưa tìm được bằng chứng nào nói ngược lại điều tôi hiểu này).

f) Đưa ra Tòa án Trọng tài là nhằm yêu cầu họ cho ý kiến, xác định khu thềm lục địa mà TQ đưa tầu vào là khu vực không có tranh chấp và thuộc quyền chủ quyền của VN  vì phán quyết năm 2016 về vụ kiện Phi đã làm rõ là:

o   Theo Luật Biển không ai có thể đòi chủ quyền biển mà không dựa vào chủ quyền đất/đảo/đá: chủ quyền biển là thứ cấp, do đó yêu sách đường chữ U của TQ là phi pháp. Do đó chồng lấn giữa đường chữ U và thềm lục địa của VN là vô nghĩa.

o   Khu vực Tư chính không có đá (rocks) nào chung quanh (trong vòng 12 dặm) để có thể tạo ra vùng chồng lấn với thềm lục địa của VN,

o   Và như thế,  VN và Mã Lai hoàn toàn có quyền chủ quyền ở khu thềm lục địa đã phân chia. 

o   TQ đi vào khu vực này là vi phạm quyền chủ quyền. 

o   Gọi là kiện nhưng ở đây nó đồng nghĩa với việc xin ý kiến của Tòa về giải thích và áp dụng Luật Biển LHQ ở khu vực.