Cần được giáo dục lại!

Tác giả: Lê Thanh Dũng 

Trong buổi lễ đặt tên đường Nguyễn Đình Thi, đường Trịnh Công Sơn, một vị quan chức tuổi ngoài 30 đăng đàn. Trong bài nói nhạt nhẽo sáo mòn rỗng tuếch có phát ngôn ấn tượng: “Chúng ta phải giáo dục nhân dân…”. Ngoài 30 mà nói được câu đó thì khẩu hiệu DÂN LÀ GỐC chỉ là lừa bịp, là xảo ngôn, thể hiện tư duy tự cho mình là lãnh đạo, là đứng trên nhân dân để dạy dỗ, giáo hoá. Trong khi nhân dân gồm rất nhiều người thông tuệ, hơn hẳn anh ta về tri thức, đức độ, về kinh nghiệm và cống hiến cho xã hội. Chưa hết, trong những người mà anh ta “cần phải giáo dục” có cả ông bà, cha mẹ, cô giáo thầy giáo của anh ta (!) Chính anh ta, con người vô học này mới cần được giáo dục (LTD)

KD: Những “quan chức” này không hiểu bằng cách nào lên được chiếc ghế quyền lực, mà những phát ngôn của họ cho thấy cái phông văn hóa của họ, trong đó có “giáo dục gia đình” thực ra là rỗng tuếch

Làm quan chức, đứng dưới ít người, đứng trên vạn người, nên học ăn học nói học gói học mở. Chứ chỉ ăn (cái lưỡi tích cưc vận động) mà không chịu nghĩ thì phát ngôn câu nào câu ấy “ngu hết phần thiên hạ”. Tác giả Lê Thanh Dũng đòi “giáo dục lại” là xác đáng!

—————–  

Thỉnh thoảng lại phải nghe những lời nói mà cười không được, mếu không xong của mấy người có máu mặt phát ra trên mạng. Xin không dẫn chứng vì điều bài này muốn nói không phải là đi phân tích hay dở của vài câu đó.

Những người nói ra những câu ngớ ngẩn, thiểu năng tuy không cải chính, xin lỗi nhưng nếu tự thấy sai thì cũng là tốt rồi. Không thấy sai mà vẫn tiếp tục cao giọng dạy đời thì khổ, khổ cho bản thân và khổ cho người nghe, khổ cho xã hội được điều hành bởi cái tầm tư duy như thế.

Xin trích câu nói của Đalai Lama:

Hãy cẩn thận với Ý Nghĩ của bạn, vì chúng sẽ thành Lời Nói. Hãy cẩn thận với Lời Nói của bạn, vì chúng sẽ thành Hành Động. Hãy cẩn thận với Hành Động của bạn, vì chúng sẽ thành Thói Quen. Hãy cẩn thận với Thói Quen của bạn, vì chúng sẽ tạo nên Nhân Cách bạn. Hãy cẩn thận với Nhân Cách của bạn, vì nó sẽ tạo nên Số Phận bạn và Số Phận của bạn sẽ là Cuộc Đời bạn. (Take care of your Thoughts, because they become Words. Take care of your Words, because they will become Actions. Take care of your Actions, because they will become Habits. Take care of your Habits, because they will form your Character. Take care of your Character, because it will form your Destiny, and your Destiny will be your Life – nguồn Wikipedia)

Nói ra những câu sai trái xin đừng trách cái lưỡi mình. Tội là ở cái đầu, là cái ý nghĩ thật sự trong đầu mình. Có suy nghĩ sai trái thì sẽ nói ra những lời sai trái, không lúc này thì lúc khác, không câu này thì câu khác. 

Trong buổi lễ đặt tên đường Nguyễn Đình Thi, đường Trịnh Công Sơn, một vị quan chức tuổi ngoài 30 đăng đàn. Trong bài nói nhạt nhẽo sáo mòn rỗng tuếch có mấy chữ nổi bật: “Chúng ta phải giáo dục nhân dân…”. Ngoài 30 mà nói được câu đó thì khẩu hiệu DÂN LÀ GỐC chỉ là lừa bịp, là xảo ngôn, thể hiện tư duy tự cho mình là lãnh đạo, là đứng trên nhân dân để dạy dỗ, giáo hoá, trong khi nhân dân gồm rất nhiều người thông tuệ, hơn hẳn anh ta về tri thức, đức độ, về kinh nghiệm và cống hiến cho xã hội. Chưa hết, trong những người mà anh ta “cần phải giáo dục” có cả ông bà, cha mẹ, cô giáo thầy giáo của anh ta (!) Chính anh ta, con người vô học này mới cần được giáo dục.

Tất nhiên người này không sáng tác câu đó mà là tiếp thu được sau nhiều lớp “đào tạo”.

Tại sao người ta lại quá say sưa với mấy chữ anh hùng, hào hùng, vinh quang…Thực ra đó là những câu dễ nói, đảm bảo không sai, không “đụng chạm”, không “nhạy cảm”, dùng gần trăm năm chưa thấy chán và tác dụng của những mỹ từ là để lừa mị, để tự đánh bóng, tự tôn vinh, tự sướng và để che lấp sự dốt nát và nghèo nàn về trí tuệ. 

Điều cần quan tâm là Ý nghĩ, cũng có nghĩa là Trí, là Đức. Thiết nghĩ, chả nên bận tâm luyện cái lưỡi cho dẻo. Được làm người, lẽ ra phải là con-người-trí-tuệ vậy mà lại “phấn đấu” để trở thành con vẹt lòe loẹt chăm chỉ hót cho đúng những gì đã được nghe thì…phí lắm thay. 

Lời dạy sâu sắc của Đalai Lama có thể hiểu theo nghĩa: Lời nói là Nhân cách, là Cuộc đời. 

Khi nói ra viết ra có thể một chữ nào đó chưa thoả đáng nhưng cả một lời nói, thì đã là một ý tưởng, lời nói sai trái bậy bạ không thể “lỡ” phát ra từ miệng của người có ý tưởng đúng đắn. LTD.