“Sử gia” Đặng Phong và thông điệp về tư duy…

Tác giả: KD/KD

Với một dân tộc, “tư duy nào, số phận đó”. Tư duy một dân tộc nếu bất biến, không chịu thay đổi chính là cái chết âm thầm. Đó cũng là một thông điệp khác, từ phía ông muốn nhắn nhủ… người đương thời và hậu thế, dưới góc độ sử gia kinh tế. Không phải ngẫu nhiên, ông đặt vấn đề tư duy như một điều cốt tử của sự sống còn của một dân tộc, một quốc gia (KD/KD).

KD: Hôm nay, tự nhiên nhớ tới bài viết này, về một Sử gia Kinh tế. Hành trình của Đất nước- qua ghi chép và cái nhìn của ông- một nhà nghiên cứu khách quan, trung thực và rất có tầm tư duy. Trong một cuộc trò chuyện, tôi hỏi ông: Cuốn nào anh viết khó nhất? Trả lời: Cuốn viết về Kinh tế Việt Nam Công hòa! Đó cũng là một sự trung thực khác.

Báo chí rập rạp nhắc tới việc chuẩn bị ĐH 13, với những tiêu chuẩn, chức danh các cán bộ lãnh đạo cao cấp, đăng lại bài này (đã đăng trên VietNamNet) cách đây khá lâu, lưu í các vị có trách nhiệm XH, rằng Tư duy trẻ, tiếp cận thực tiễn XH và xu thế phát triển của thời cuộc chính là một thước đo trí tuệ, giúp các vị đảm đương được nhiệm vụ trọng đại của đất nước, chứ ko phải vì vài tiêu chí vê học bao nhiêu lớp chính trị cao cấp, với mấy cái bằng GS, TS đâu

—————————-  

Mới vậy, mà đã được gần nửa tháng- GS Đặng Phong- “sử gia kinh tế số 1” rời bỏ cõi nhân gian hỉ nộ ái ố để trở về với cát bụi. Tôi vẫn nhớ mãi cái cảm giác bàng hoàng, choáng váng của buổi tối 20-8, khi đọc bản tin trên VNN: “Sử gia kinh tế hàng đầu Đặng Phong qua đời” tại nhà riêng. Phải định thần một lúc, mới tin được đó là sự thật xót xa. Vì với tôi, ông không chỉ là một sử gia kinh tế sắc sảo, mà còn là một người bạn vong niên rất đáng quý.

Quen biết ông từ năm 1983- khi đó, ông viết một bài báo về giá điện trên Báo Nhân Dân, rất gây tiếng vang. Một cách nhìn về kinh tế, về giá điện cực kỳ sát thực tiễn và hóm hỉnh. Đọc vừa buồn cười vừa thâm thúy. Nhưng phải về sau, trên hành trình dài của kiếp nhân sinh, tôi mới hiểu ra ông, một tầm vóc trí thức lớn nhưng lại như ẩn dật.

Ẩn dật như ngôi nhà của ông trong cái làng cổ Yên Phụ khiêm nhường, cách xa chút ít Hồ Tây sóng vỗ. Mà khi bước vào đó, có thể người ta sẽ ngạc nhiên. Một sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và môtip nội thất pha chút phương Tây cổ điển, có vẻ lộn xộn, nhưng là sự lộn xộn có chủ ý của chủ nhân, một chủ nhân có tâm hồn nghệ sĩ, và một đầu óc học thuật biết “đào bới” và phát hiện để đưa ra được cái hồn cốt của vấn đề.

Đất nước những năm tháng trước đổi mới 1986 đầy cam go. Bi kịch của một dân tộc về cơ chế quản lý xã hội cũng chính là bi kịch của mỗi người dân. Cái hôm nay ta thấy là bình thường, những năm tháng đó là khác thường, dị thường. Không ít cá nhân dám đi tiên phong tìm cái mới, đã gặp cái kết cục muôn đời xưa cũ trong văn chương từng nói, thì nay trong cuộc đời. Họ, đến lúc nào đó, đã hoặc sẽ được trả lại thanh danh và giá trị tinh thần khai mở, khai sáng, nhưng những năm tháng đó, thì cuộc đời là cảnh cửa đóng kín, tối đen cho số phận họ.

GS Đặng Phong là dân Sử, rồi học thêm về Kinh tế, và học nâng cao lĩnh vực này tại Học viện Kinh tế Địa Trung Hải, Montpellier (Pháp) năm 1991. Ông  là người quan sát thời cuộc, là người ghi chép, người “vẽ” lại một cách trung thực những đen trắng, những tối sáng, những phải trái của sự chuyển động xã hội.

Nhưng ông có một cái may mắn, không phải người viết sử nào cũng gặp. Đó là ngoài một phương pháp luận tốt, ông còn có những cơ may mà cuộc đời luôn “thiên di” (dịch chuyển) của ông đã cho ông gặp gỡ, làm việc tại những trung tâm thông tin kinh tế thế giới của các quốc gia văn minh, từ đó, có cái nhìn sáng tỏ hơn những thăng trầm và gian truân của dân tộc. Ông được coi là cuốn từ điển sống về kinh tế Việt Nam.

Ông từng là khách mời của Viện hàn lâm Khoa học Cu Ba, Ngân hàng Desjardin, Montréale (Canada), GS thỉnh giảng của nhiều ĐH danh tiếng như ĐH Aix en Provence (Pháp-2007), ĐH Cambridge (Anh-2005), ĐH Quốc gia Monterey Bay, California (Mỹ-1997)….cộng tác viên của Trung tâm Khoa học quốc gia Pháp (1998, 1999); và Chủ tịch Tiểu ban kinh tế tại EURO-Viet III, Amsterdam (Hà Lan-1997).

Và cây bút, rồi sau này là bàn phím, chính là “cây cọ” trung thành với đời ông. Dưới cái nhìn của một sử gia kinh tế sắc sảo, diện mạo kinh tế vào các thời khắc lịch sử khác nhau của một dân tộc chịu nhiều bi thương về lý tưởng xã hội, phải tự mầy mò trong dằn vặt lẫn khổ đau, để tự tìm ra con đường phát triển, cứ dần hiện lên ở các góc nhìn khác nhau, từ địa phương đến trung ương.

Hàng chục đầu sách lịch sử kinh tế của ông ra đời: Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến, tập 1 (1945-1954). 5 đường mòn Hồ Chí Minh (2008). Kinh tế miền nam Việt Nam (1954-1975). Lịch sử kinh tế Việt Nam, tập 1(1945-1954). Lịch sử kinh tế Việt Nam, tập 2(1955-1975). 21 năm viện trợ Mỹ ở Việt Nam (1991). Kinh tế thời nguyên thủy ở Việt Nam (1970). Phá rào trong kinh tế vào đêm trước đổi mới. Tư duy kinh tế Việt Nam (1975-1989), năm 2009.

Trong số đó, cuốn Tư duy kinh tế VN 1975- 1989 là cuốn gây tiếng vang lớn nhất, cũng là cuốn hút của ông biết bao tinh lực, mà theo ông, đó là cuốn khó viết nhất. Vì 14 năm dằng dặc cũng là giai đoạn cam go của cả dân tộc. Cái cũ (tư duy) trì trệ, đã trở thành vật cản sự phát triển, là nguyên nhân của đói nghèo, của tụt hậu. Cái mới còn mò mẫm manh nha, nhưng rồi cái mới đã có những bứt phá ngoạn mục, để hình thành nên hệ thống chính sách mới vô cùng quan trọng.

Bức tranh kinh tế VN “hiện lên” với một đặc điểm rất riêng, mà theo ông, cần chú ý tới đặc điểm này: Sự đổi mới diễn ra trong xã hội VN, không phải là công lao của một cá nhân, một cha đẻ, hay lãnh tụ đổi mới nào. Mà mỗi người lãnh đạo VN có một vai trò khác nhau. Nói cách khác, chính trào lưu đổi mới này mới là “anh hùng” tạo nên thời thế- thời của nền kinh tế mới mang cái tên xưa kia người ta rất dị ứng- kinh tế thị trường.

Để có thể có được một công trình đồ sộ, phản chiếu tư duy của một thời kỳ đầy biến động, thăng trầm và không ít đau đớn, vì những nhận thức xung đột nhau, ông đã phải tích lũy sưu tầm được khối tài liệu đồ sộ, đồng thời tiếp cận được với rất nhiều nhân vật lịch sử từng giữ những cương vị cấp cao. Đó là ông Võ Văn Kiệt – nguyên TT Chính phủ, Trần Phương – nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Nguyễn Văn Chính – nguyên Phó TT, Đoàn Duy Thành – nguyên Phó TT, Nguyễn Văn Trân – nguyên Bí thư TƯ Đảng, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế TƯ, Hoàng Tùng – nguyên Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Tuyên huấn TƯ…

Tiếp xúc với các nhân vật lịch sử hiện đại, trò chuyện, phỏng vấn họ, nghe họ tâm sự về chính những dằn vặt, những day dứt của Đêm trước đổi mới, tầm của một trí thức lớn ở ông toát lên cách nhìn cũng rất khác: “Đánh giá lịch sử cần phải có sự lễ độ và khoa học“. Và ông đã “đo” tầm cao, sức nặng các nhân vật lịch sử thời hiện đại khá khách quan, thoát khỏi những định kiến chính trị đương thời tầm thường.

Sự thành công gây tiếng vang của cuốn sách Tư duy kinh tế VN 1975- 1989, khiến ông lại chuẩn bị để làm tiếp cuốn Tư duy kinh tế VN 1990-2005. Với một dân tộc, “tư duy nào, số phận đó”. Tư duy một dân tộc nếu bất biến, không chịu thay đổi chính là cái chết âm thầm. Đó cũng là một thông điệp khác, từ phía ông muốn nhắn nhủ… người đương thời và hậu thế, dưới góc độ sử gia kinh tế. Không phải ngẫu nhiên, ông đặt vấn đề tư duy như một điều cốt tử của sự sống còn của một dân tộc, một quốc gia.

Nhưng chính ông, từ cát bụi lại trở về cát bụi, khi mà những thai nghén trí tuệ khác chưa kịp sinh ra…

Ít ai biết đến, không chỉ là một sử gia kinh tế số 1, ông còn là người có tâm hồn rất nghệ sĩ và rất tài hoa. Ông chụp ảnh phong cảnh đẹp mê hồn và nấu ăn cũng rất giỏi. Một chuyến đi công tác nước ngoài, ông đã gửi cho tôi 2 bức ảnh về hoa xoan, với những chùm xoan ông bất ngờ chụp được khi bay trở về  Hà Nội.

Và trong những email ông gửi cho bạn bè 4 phương, ông cho tôi đọc, là “một trời thương nhớ” loài hoa “sầu đông”, dung dị, quấn quít hồn quê. Tôi hiểu, dù có đi khắp thế gian, trong sâu xa của tâm hồn người trí thức này, những gì của quê hương là mãi mãi, là không gì thay thế. Khi đó, tôi đã lấy 2 bức ảnh ông gửi tặng làm cảm hứng cho một bài viết- Hoa quê- (Hoa Xoan) đăng trên mục Thư Hà Nội.

Đến thăm ông bất ngờ, lúc nào cũng có thể được ông mời ăn cơm với những món ăn ông tự nấu, rất ngon, một gu ẩm thực cực kỳ tinh tế của người Hà Nội vừa phong lưu và cũng rất phong trần, rất Đặng Phong, giữa đám sinh viên như bầy con cháu, trẻ nhỏ trong nhà, lúc nào cũng vây quanh ông “Thầy thầy, con con”… Khi đó, tôi thấy ông thảnh thơi, an lành, tự nhiên nhi nhiên, như mọi nỗi đau riêng đã lùi xa, rất xa…

Mỗi con người chỉ có một cuộc đời để sống. Đặng Phong đã sống như ông muốn, khi cặm cụi bên bàn phím như một kẻ nô lệ của chữ nghĩa, để hiểu thấu chiều sâu và sức đột phá của hai chữ “tư duy”, khi như một khách lãng du trên những chân trời xứ lạ, và giờ, ông trở về Đất Mẹ như một đứa con đã tròn vai bổn phận.

Nhưng nghĩ về ông, không hiểu sao tôi lại chỉ nhớ đến cái cách ông cười phá lên, hóm hỉnh, mỗi khi có chuyện gì thú vị. Ông là người biết lạc quan cả những khi nỗi lòng mình rất đau đớn vì bạo bệnh? Tôi đã hẹn làm việc để viết về ông- một nhân chứng của lịch sử phát triển một thời cuộc vào dịp 2-9 năm nay. Nhưng ông đã không đợi được… Và tôi, chỉ còn lại là nỗi day dứt, ân hận.

Vì thế, những dòng này, xin được coi như nén tâm nhang kính cẩn thắp cho hương hồn anh, người bạn vong niên, để anh thanh thản ở một chân trời khác… Anh Đặng Phong nhé!