Đại dịch

Tác giả: Lê Thanh Dũng

Tôi cám ơn những người có chức trách đã làm rất tốt công việc chống dịch và tôi còn cám ơn nhiều lần hơn hơn nữa các vị đã làm cho những khẩu hiệu rất đẹp trên đây hình như có sắc hồng và hơi thở trở lại dù còn yếu ớt. 

Cơn đại dịch và cách xử lý khiến chúng ta nhớ lại cái thời đã qua chưa xa nhưng không biết bao giờ lại có, cái thời: Trên dưới một lòng, toàn dân đoàn kết, tất cả cho tiền tuyến, ý đảng lòng dân…

Nhà nước có thật sự vì dân hay không thì dân biết, chả cần dóng dả véo von cho nhiều (LTD)

KD: Tác giả Lê Thanh Dũng gửi cho bài viết này. Xin đăng lên để bạn đọc chia sẻ

————-

Những chuyến tàu mùa dịch COVID-19

Đại dịch virus corona đem tai hoạ đến mọi người, mọi nơi với tốc độ kinh hoàng. Nó không tha cho ai, bất kể sang hèn giàu nghèo, nó lan tràn trong đám người lam lũ nghèo khổ, xồng xộc xông vào các cung vua phủ chúa, nội các, bất chấp mọi hệ thống an ninh bảo vệ. Nó nhởn nhơ khinh nhờn mọi trật tự đã được thiết lập, đảo lộn mọi thể chế đã định hình…Và thật ghê gớm, nó không diễn ra từ từ, nó không chờ đợi ai mà cuốn phăng tất cả, kèm theo đó là sinh mạng của hàng trăm ngàn người, từng ngày, từng giờ..

Nhìn vào trong nước mình, đại dịch này đã làm thay đổi thái độ sống và cách sống của mọi người, từ học tập hội họp, vui chơi giải trí, giao tiếp vv. Cũng không kém phần quan trọng, nó thay đổi cách quản lý và quan niệm quản lý xã hội của hệ thống nhà nước. 

Trước cơn bão dịch với mức độ phá hoại khủng khiếp và với tốc độ kinh hoàng thì lề thói xưa cũ cũng phải bị cuốn phăng đi. Tác phong lười nhác, nói suông, chừng nào đó là phét lác, kiểu như “chúng tôi sẽ”, “từng bước”…không còn chỗ đứng. Thay vào đó là làm gì cũng phải NGAY LẬP TỨC và CÓ HIỆU QUẢ THỰC SỰ. Vị lãnh đạo nào “chuyên ngành” kêu gọi chung chung, nói câu nào cũng “đúng trở lên” nhưng rỗng tuếch thì cứ nói, người ta thông cảm vị trí ấy phải nói “cái gì chứ”, thì thôi đành nghe và bỏ ngoài tai cho xong. Nhưng người viết bài này, cùng với sự lo lắng như bao nhiêu người dân khác trước đại dịch, xin trân trọng bày tỏ sự biết ơn những người có trách nhiệm trong hệ thống quản lý nhà nước từ cấp cao, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phó thủ tướng Vũ Đức Đam, chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung vv đến hàng vạn hàng triệu cán bộ viên chức các ngành, các thầy thuốc, các chiến sỹ bộ đội, công an, các tình nguyện viên đã xả thân ngày đêm tận tình làm việc, khẩn trương nhưng phối hợp chặt chẽ có phương pháp, không bối rối hoảng loạn. Có nghe thế giới khen thì xin biết vậy, chả cần “tự hào” làm gì. Xã hội yên lành, dân tin yêu là phần thưởng vô giá, chả cần gì hơn.

Xin nói thật lòng, có gì trái tai xin các vị có chức có quyền cứ nghe thử, nếu chả đáng gì thì bỏ đi cũng chưa muộn.

Lâu nay nghe trên truyền thông “lề phải” những điều nói đi nói lại mấy câu chữ rỗng tuếch thấy chán, thậm chí phản cảm vì mang tính lừa dối hơi nhiều. Tôi biết trong các vị chức sắc có nhiều người biết thừa những gì không thật nhưng vì nhiều lý do, họ không bàn đến để giữ gìn sự “nhất trí” trong guồng máy mà thôi. Và thế là sự dối trá dấu diếm có đất sống. Nhưng cứ thế kéo dài mãi thì khổ cho dân tộc này quá, và cũng khổ cho những người có chức quyền mà có cả thứ quí hiếm là lương tâm và nhân cách. 

Nhưng trong cơn đại dịch và trong cách xử lý đại dịch, trong tôi dần dà le lói một niềm vui dè dặt. Dè dặt nhưng cứ mạnh dạn vui vì đâu dễ kiếm (!)

Người ta từng đưa ra những khẩu hiệu đẹp đến không chê vào đâu được: “Do Dân, Vì Dân, Dân biết Dân bàn Dân làm Dân kiểm tra, Dân là gốc, Dân chủ” vv, nhưng qua thời gian, nhất là gần đây, những khẩu hiệu đó đã trở nên vô hồn, thậm chí mỉa mai, cho nên chả ai muốn nói đến nữa.

Tôi cám ơn những người có chức trách đã làm rất tốt công việc chống dịch và tôi còn cám ơn nhiều lần hơn hơn nữa các vị đã làm cho những khẩu hiệu rất đẹp trên đây hình như có sắc hồng và hơi thở trở lại dù còn yếu ớt. 

Cơn đại dịch và cách xử lý khiến chúng ta nhớ lại cái thời đã qua chưa xa nhưng không biết bao giờ lại có, cái thời: Trên dưới một lòng, toàn dân đoàn kết, tất cả cho tiền tuyến, ý đảng lòng dân…

Nhà nước có thật sự vì dân hay không thì dân biết, chả cần dóng dả véo von cho nhiều.

Câu ca dao trong bài ĐI DÂN CÔNG (1949) của nhà văn Thanh Tịnh xưa rồi nhưng chưa bao giờ cũ: 

Dễ trăm lần không dân cũng chịu

Khó vạn lần dân liệu cũng xong.

Mong sao có nhiều tình nguyện viên như trong hoạt động chống dịch hiện nay hơn là chăm chút “xây dựng hàng ngũ” dư luận viên. Hãy chăm chút cho Dân Trí, Dân Khí, cho những Nguyên Khí quốc gia thực sự chứ không phải cho những trang báo mà các tổng biên tập viết để lo niêu cơm cho mình và cho anh chị em trong toà soạn.

Chống xong cái đại dịch này thì mừng lắm. Và nếu sau đại dịch này Dân “được như khẩu hiệu” thì đại phúc. LTD.