Nguyễn Như Phong- sinh nghề tử nghiệp

Tác giả: Phạm Viết Đào và Nguyễn Quyết

KD: Có thể nói, vụ việc ông Nguyễn Như Phong, TBT báo Petro Times bị thu hồi thẻ nhà báo, và tờ báo này bị đình bản 03 tháng đang là vụ việc hot nhất trên các trang mạng. Nhưng xét cho cùng, mỗi lời bàn đều có phần đúng mà chưa đủ, vì độ phức tạp của con người cầm bút kiêm TBT NNP. Vì “hiện tượng” Nguyễn Như Phong, con người thật và trên mặt báo- thể hiện qua hàng loạt những bài mà báo Petro Times từng đưa, gây sóng dư luận- ở mặt nào đó là… thành công, nhưng cũng rất khó nắm bắt bản chất thật của con người này, trong nghề cầm bút đầy trắc trở, rủi ro. Sinh nghề, tử nghiệp. Câu thành ngữ này ứng với số phận của nhà báo Nguyễn Như Phong.

Để rộng đường dư luận, mong muốn mang đến cho bạn đọc sự nhìn nhận về một con người, một nhà báo đang gặp tai nạn nghề nghiệp, xin đăng lại bài viết của hai người, một già và một trẻ, đều là nhà văn, nhà báo, để tự mỗi bạn đọc chiêm nghiệm về nghề báo ở VN, và số phận một nhà báo- kiêm quan báo.

Còn với làng báo nói chung, có lẽ đây là bài học rất sinh động và có ích cho mỗi nhà báo. Anh cầm bút vì ai, vì cái gì? Gieo nhân nào- gặt quả đó!

Bài viết của cả hai tác giả dưới đây, là quan điểm riêng họ. Chủ Blog KD/KD tôn trọng ngôn ngữ của mỗi tác giả, nên xin đăng nguyên văn.

Ở góc độ con người, tình người, xin chia buồn với ông Nguyễn Như Phong và gia đình. Hẳn những ngày này, gia đình ông rất đau buồn. Nhưng cuộc đời vẫn còn dài rộng và không thiếu nhân nghĩa đâu. Hãy đứng lên và hãy “chân cứng đá mềm” làm điểm tựa cho ruột thịt bình yên!

Title bài, do chủ Blog đặt  😀

——————

Vì sao Nguyễn Như Phong lại tự đút đầu vào “tử địa”?

Tác giả: Phạm Viết Đào

h1

Ông Nguyễn Như Phong, “cựu” TBT báo PetroTimes. Nguồn: internet

Vụ Nguyễn Như Phong bị trảm lần này là một bài học để đời cho dân viết lách đam mê đụng bút vào chuyện thế sự, một mảng đề tài đang hot?

Nguyễn Như Phong nguyên Phó TBT báo Công an nhân dân, hàm đại tá được ngành dầu khí, một ngành mà tiền nhiều như nước “sông Đà, Biển Đông…” đón về để “kiến tạo” một tờ báo để vênh vanh với thiên hạ, để có thêm quyền nói, sau quyền ăn, vốn đã ngập tràn của những ông bà quan chức ngành này…

So với các TBT khác, Nguyễn Như Phong có thâm niên ngành công an nên có quan hệ rộng, sâu với nhiều quan chức cao cấp với ngành này nên nắm được nhiều thông tin thuộc diện thâm cung bí sử, được cái tự tin: nói có người nghe, đe có ngưới sợ…

Thế nhưng ở đời ai đoán được chữ ngờ, đi đêm lắm có ngày ắt gặp ma. Không ai khi ngờ phẩm chất “phò chính thống” của Nguyễn Như Phong, bởi có lần chính Nguyễn Như Phong đã tự nhận nghề làm báo không khác gì thân phận con chó; nhờ sự cúc cung tận tụy với nghề “phò chính thống” mà Phong có vai vế trong làng báo…Thế nhưng giờ đây tất cả đã lộn nhào, sau cú đột quỵ này Nguyễn Như Phong chỉ còn về hưu là nhẹ, không cẩn thận Phong còn khả năng ăn đòn lao lý…

Chuyện của Phong suy cho cùng cũng chỉ nhằm mục đích tỏ ra ta là anh chị trong làng thông tin, câu view, tỏ ra nhanh nhạy thông tin, coi trời bằng vung nên đã thò đầu vào tử địa…

Phong đưa lại bài phỏng vấn Người buôn gió, tác giả của loạt bài đang làm lộn tiết một số phe nhóm Việt Nam qua vụ Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn; bài phỏng vấn của một tờ báo Việt Kiều mặc dù đã cắt gọt, thêm nếm nhưng đã lộ ra sự ngông nghênh về nhận thức thời thế, tưởng mình “chân cứng rễ bền”, “ô dù” hoành tránh cóc biết sợ ai; căn bệnh chung của dân police…

Ở các nước dân chủ, người ta rất hạn chế cho dân police có báo riêng vì ông được trang bị súng, dùi cui rồi, mà ông có thêm báo nữa thì trời bằng vung thật…

Phong đưa lại thông tin này khác nào gián tiếp vinh danh, xác nhận thông tin của Gió, trong khi Gió chỉ nhận mình là là “kẻ chém gió” ất ơ, trúng đâu thì trúng…

Theo người viết bài này Nguyễn Như Phong đã rơi vào các tử địa sau đây mà rất nhiều blog lề dân đã tỉnh táo không xông vào:

1/ Chuyện của Người buôn gió tung lên mạng chưa biết thật giả đến đâu nhưng chắc chắn là những “tấn muối” gieo vào lòng TBT Nguyễn Phú Trọng người đích đanh chỉ đạo đích danh vụ Trịnh Xuân Thanh đã bị đẩy vào bẫy việt vị của ai đó? Trịnh Xuân Thanh trốn là một sự kiện gây mất điểm ghê gớm với uy tín của Nguyễn Phú Trong trong sự ngiệp “đả chuột, diệt ruồi”… Vụ này tạo dư luận nghi ngờ về sự chia rẽ, mất lòng tin giữa phe đảng và phe an ninh; một thời cái sự liên minh này đã nâng thành khẩu hiệu, phương châm xử thế: Còn đảng còn mình…

Thành ra các cây bút lề dân ở trong nước chỉ đứng xa xa mà xem cơ trời vận nước xoay vần đến đâu, chứ không đụng bút vào hùa với Gió bởi đề phòng chuyện ăn đòn giận cá chém thớt…

2/ Qua vụ Trịnh Xuân Thanh blogger lề dân cũng lờ mờ nhận ra đổ bể cuộc chiến phe nhóm, thành ra mình thò bút vào không cẩn thận bị coi là ăn tiền của nhóm này để chơi nhóm kia. Một trong những lý do Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào bị nhập kho là do bị nghi là ăn tiền của phe nhóm Y. tấn công phe nhóm X. Thế nhưng, khi người ta lần theo từng cái “giải rút” của từng cái quần lót của 2 blogger này và không phát hiện thấy một dấu vết, một đồng tiền của nhóm lợi ích nào tài trợ cho 2 blogger này…

Riêng Phạm Viết Đào không một cú điện thoại nào kể cả gọi cho em út bằng sim rác cũng bị sờ nắn tới; Ra tù hơn 2 năm rồi mà thỉnh thoảng vẫn có đuôi theo…

3/ Nguyễn Như Phong là người bên an ninh, là người ăn tiền dầu khí, vậy Năng lượng mới (Petro Times); dù muốn hay không người ta vẫn tin cái “đạo lý” đồng tiền: ăn cây nào rào cây ấy; đưa chuyện của Trịnh Xuân Thanh, đưa Người buôn gió lên thành chuyện của công luận thì khác gì giỡn mặt phe nhóm đang tìm cách bắt trị Thanh, làm sôi máu những ông đang thần hồn nát thần tính, đang muốn tùng xẻo Trịnh Xuân Thanh?

4/ Nguyễn Như Phong chắc chắn sẽ bị xử nặng bởi đây cũng còn là cái cớ để giết gà dọa khỉ; “Con gà” Nguyễn Như Phong rất có thể trở thành món cúng “động thổ” cho chiến dịch “tảo thanh” nội bộ, “giải phóng mặt bằng”…

Đó là 4 lý do, “tứ tử” do Nguyễn Như Phong tự thò đầu vào thế “chết không kịp ngáp”, “hối không kịp hận”… Các ô chắc cũng chẵng dại xòe ra che đỡ cho Nguyễn Như Phong trong hình thế sự đang như “nước sôi lửa bỏng”…

Sau vụ này Nguyễn Như Phong chắc chắn rơi vào cảnh ê chề của cái thân phận “hàng thần lơ láo phận mình sao đâu”; trở về lề dân chắc là không được; phò chính thống thì người ta cạch mất đường rồi, đành phải ôm, gặm nhấm một “nỗi căm hờn trong cũi chó?!

Nỗi ê chề của Nguyễn Như Phong âu cũng là bài học cho những cây bút “phò chính thống” mỗi khi thất cơ lỡ vận, điều ít ai tránh hết trong cõi đường đời?!

Phò nhân dân mới là sự nghiệp vạn đại vì không ai chiến thắng được nhân dân; một đúc kết của quan chức văn hóa Hà Nội khi hồi hưu…

————–

Bài 02:

Nguyễn Như Phong

Tác giả: Nguyễn Quyết

Người ta bảo, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận. Với những gì mới diễn ra với nhà báo Nguyễn Như Phong, thì nó cũng không quá khó hiểu và thiếu logic với con người, cá tính của ông.

Vừa qua mình không đưa tin, không viết status về việc này vì ở Petrotimes còn thằng bạn, có thằng em đang lo lắng. Nhưng sinh nghề, tử nghiệp, âu cũng là một phần buộc phải chấp nhận.

Làng báo có quá nhiều người không ưa ông. Vì ông phát ngôn một mình một kiểu, đi ngược dòng dư luận, viết những thứ không ai dám viết, chửi những điều không ai dám chửi.

Ví dụ như ông so sánh nhà báo với con chó nhân ngày “giỗ nghề” khiến báo giới rúng động, nổi giận. Nhưng đó chỉ là cách nói của ông, có thể ông tư duy hoặc nhìn ở một góc khác. Người khác thì đắn đo suy nghĩ vì động chạm, còn ông thì không.

Mọi người nên nhớ, yêu cầu cắt ngọn công trình 8B Lê Trực ban đầu chỉ có Petrotimes làm. Làng báo nhìn nhau đắn đo: “Chắc là oánh đấm, chỗ ấy đâu đơn giản”. Cho tới khi ông tiếp tục làm và lên tiếng một cách mạnh mẽ, báo chí buộc phải vào cuộc và nó trở thành một trong những sự kiện lớn cả nước quan tâm.

Mình hay nói vui, slogan của Petrotimes là: “NÓI THEO CÁCH CỦA NGUYỄN NHƯ PHONG”, ấy thế mà cũng đúng!

Ông thích gì nói nấy, có toan tính hay không toan tính thì cũng làm một cách quyết liệt, dứt điểm. Nguyễn Như Phong ở một góc khác là người thích làm báo, ông thích đi tác nghiệp, thích ra đầu sóng ngọn gió hay những tâm điểm chính trị. Miễn sao có được thông tin.

Thậm chí, ông có những “tiểu xảo” báo chí khiến đồng nghiệp không ít phen lao đao, nhưng đó là vì ông muốn tờ báo của ông phải là đi trước ở một khía cạnh nào đó. Ông là người viết báo say nghề!

Ai cũng chửi ông nhưng ai cũng sợ ông!

Petrotimes sau sự kiện này chắc chắn sẽ không còn là Petrotimes như trước nữa. Sẽ hiền lành hơn, sẽ tập trung vào cái gọi là tôn chỉ, mục đích từ Hiệp hội năng lượng Việt Nam mà ai cũng biết là Dầu khí đổ tiền phía sau.

Không ngoa nếu nói ông là linh hồn của Petrotimes. Vậy thì, linh hồn đó bây giờ đã mất!

Xin chia buồn cùng ông, một người làm báo!

Ảnh của Nguyen Quyet.
Ảnh của Nguyen Quyet.
Ảnh của Nguyen Quyet.