Vụ Vườn rau Lộc Hưng và Thông cáo của Nhóm Luật sư Lộc Hưng

Tác giả: theo VietNamNet, RFA và FB Ls Trần Vũ Hải

.KD: Vụ Vườn rau Lộc Hưng, xem ra không kém vụ Thủ Thiêm bởi tính chất và quy mô “đụng chạm’ đời sống dân chúng, lẫn những sai phạm chằng chéo của cả dân lẫn c/q, trong khi thông tin của báo chí chính thống vừa ít ỏi vừa một chiều. Để rộng đường dư luận, tôn trọng tính thông tin đa chiều, chủ Blog xin đưa thông tin cả hai phía, những sự tiến triển của vụ việc cho đến nay để bạn đọc theo dõi. Mình nghĩ xử lý và vụ việc nên đưa ra tòa án là cách làm cần thiết và văn minh, để sáng tỏ đúng sai.

Cả dân và chính quyền nếu làm sai đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Title bài, chủ Blog xin đặt. Bạn đọc có thể theo dõi từng bài, với quan điểm khác biệt ở phía dưới

——————-  Vì sao quận Tân Bình cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng trước Tết?

Bài 1: THÔNG CÁO BÁO CHÍ SỐ 1 CỦA NHÓM LUẬT SƯ LỘC HƯNG

Tác giả: FB Trần Vũ Hải (Luật sư)

Thành phố Hồ Chí Minh ngày 16 tháng 01 năm 2019

Kính gửi các cơ quan báo chí, truyền thông trong ngoài nước.

Đồng kính gửi cộng đồng mạng xã hội, các cơ quan, đơn vị có thầm quyền và có liên quan.

Chúng tôi, nhóm luật sư giúp dân Vườn Rau Lộc Hưng (viết tắt nhóm Luật sư Lộc Hưng hay nhóm LSLH) xin trân trọng thông báo như sau:

1/. Ngày 15/1/2019, 20 hộ dân tại Vườn Rau Lộc Hưng (VRLH), quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, do các ông bà Cao Hà Chánh, Cao Hà Trực, Trần Minh Thi đại diện đã có giấy đề nghị luật sư gửi những tổ chức hành nghề luật sư của nhóm LSLH, yêu cầu cử các luật sư trợ giúp pháp lý cho họ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ trong các vụ việc liên quan đến khu đất Vườn Rau Lộc Hưng, đặc biệt trong vụ cưỡng chế phá nhà diễn ra tại đây từ ngày 4 đến ngày 8/1/2019. Các ông bà nêu trên cho biết hầu hết người dân (khoảng từ 150 đến 180 hộ) bị ảnh hưởng từ vụ cưỡng chế phá nhà đều mong muốn nhờ các luật sư giúp đỡ về pháp lý.

2/. Đến nay, đã có các luật sư và tổ chức hành nghề luật sư sau đây đồng ý nhận trợ giúp cho người dân VRLH: Luật sư Đặng Trọng Dũng (Văn phòng luật sư Đặng Dũng & Ninh Hòa), Luật sư Trần Vũ Hải (Văn phòng luật sư Trần Vũ Hải), Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc (Công ty Luật Inter Law), Luật sư Trần Hồng Phong (Công ty Luật Eco Law), Luật sư Nguyễn Văn Miếng (Văn phòng luật sư Luật Hồng Đức), Luật sư Đào Kim Lân (Công ty Luật An Thuận Phát), Luật sư Đặng Đình Mạnh (Văn phòng luật sư Đặng Đình Mạnh), Luật sư Đồng Hữu Pháp (Văn phòng luật sư Đồng Hữu Pháp), Luật sư Đoàn Thái Duyên Hải (Văn phòng luật sư Hải Đoàn), Luật sư Dương Vĩnh Tuyến (Văn phòng luật sư Dương Chí), Luật sư Nguyễn Duy Bình (Văn phòng luật sư Duy Trinh), Luật sư Phương Văn Thêm (Công ty Luật Phương Gia),Luật sư Nguyễn Hữu Thông (Văn phòng luật sư Nguyễn Hữu), Luật sư Trần Đình Dũng (Văn phòng luật sư Đặng Dũng & Ninh Hòa), Luật sư Thái Thị Diễm Trúc (Công ty Luật Tín Nhân), Luật sư Ngô Thị Phương Thảo (Văn phòng luật sư Trương Anh Tú), Luật sư Phùng Thanh Sơn (Công ty Luật Thế Giới Luật Pháp).

Ngoài ra còn một số luật sư, chuyên gia pháp lý và tổ chức hành nghề luật sư khác đã ngỏ ý sẵn sàng tham gia hỗ trợ pháp lý cho người dân VRLH, chúng tôi sẽ thông báo khi thích hợp.

3/. Các hộ dân VRLH cho rằng có nhiều vấn đề cần được các luật sư giúp đỡ về pháp lý, đặc biệt hai vấn đề sau:

– Vụ cưỡng chế phá nhà từ ngày 4 đến ngày 8/1/2019 theo họ là trái pháp luật, không làm đúng theo các quy định của pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng cho hàng trăm người dân VRLH về vật chất lẫn tinh thần, khiến rất nhiều người lâm vào tình trạng khó khăn về cuộc sống, chỗ ở, mất tài sản. Họ đề nghị các luật sư yêu cầu làm rõ tính hợp pháp của cuộc cưỡng chế này, buộc những cơ quan và cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo pháp luật, bồi thường thiệt hại cho họ, trả lại đất VRLH cho họ tiếp tục sử dụng.

– Theo họ, đất VRLH đã được người dân ở đây (phần lớn có nguồn gốc người miền Bắc di cư năm 1954) khai thác, sử dụng hợp pháp liên tục từ năm 1955 đến nay, phục vụ cho cuộc sống của họ, mà hầu hết là những lao động nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Họ có đủ tài liệu chứng minh về việc này. Sau năm 1975 họ đã nhiều lần đề nghị chính quyền địa phương thực hiện chính sách đất đai của nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam để xác nhận hiện trạng về đất (không có tranh chấp), làm các thủ tục để cấp các giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp theo pháp luật đất đai cho họ yên tâm sinh sống, làm ăn. Thế nhưng chính quyền địa phương đã không làm theo các quy định của pháp luật, khiến họ phải khiếu nại, tố cáo liên tục từ năm 1999 đến nay. Song các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa giải quyết dứt điểm để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của họ, khiến cuộc sống, việc làm ăn của họ thiếu ổn định. Chính quyền địa phương cho rằng đất VRLH là đất công (hay đất công cộng) nhằm tước đoạt quyền sử dụng đất hợp pháp của họ, biến họ từ những công dân lương thiện thành người vi phạm chiếm đất công. Họ kiên quyết phản đối cách ứng xử chuyên quyền và trái luật này. Họ đề nghị các luật sư yêu cầu chính quyền địa phương tại TPHCM và trung ương tổ chức tiếp dân đối thoại công khai với họ về vấn đề này.

4/. Các luật sư của nhóm LSLH cho rằng những ý kiến trên của người dân VRLH là có căn cứ pháp lý. Chúng tôi trân trọng đề nghị các cơ quan chức năng tại TPHCM tạo mọi điều kiện để các luật sư và người dân thực hiện các quyền của mình theo Hiến pháp và Luật trong việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân VRLH, cung cấp đầy đủ các thông tin, tài liệu liên quan đến những vụ việc này.

5/. Chúng tôi được biết trong thời gian vừa qua, có một số báo chí đã đưa tin một chiều, không khách quan. Theo các hộ dân VRLH, nhiều thông tin đó không phản ánh đúng sự thật, không ghi nhận những ý kiến của những người dân VRLH và phản ánh những tài liệu mà họ đã cung cấp cho các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí, gây bất lợi cho họ, khiến họ rất bức xúc trong khi họ đang gặp vô vàn những khó khăn sau vụ cưỡng chế phá nhà (và thực tế là chiếm đất của họ) tại VRLH. Nhiều người mất nhà, mất việc, mất tài sản, thu nhập, sống vất vưởng, càng bị tổn thương thêm về tinh thần. Vì vậy, nhóm LSLH trân trọng đề nghị các cơ quan báo chí, truyền thông, cộng đồng mạng xã hội đưa tin bài về VRLH một cách khách quan, trung thực, phản ánh đúng sự thật, đặc biệt cần ghi nhận những ý kiến và tình cảnh hoạn nạn của người dân VRLH hiện nay sau vụ cưỡng chế phá nhà trên. Chúng tôi cũng trân trọng mời các cơ quan báo chí, truyền thông và những ai quan tâm đến VRLH chứng kiến các hoạt động của các luật sư và người dân trong quá trình đấu tranh pháp lý sắp tới để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân VRLH, tường thuật cho công chúng.

6/. Chúng tôi trân trọng cám ơn mọi sự giúp đỡ, hỗ trợ, chia sẻ, ủng hộ, đồng hành của các nhà hảo tâm, các đồng nghiệp, các doanh nhân, các nhà hoạt động xã hội và bất cứ cơ quan, đơn vị, hội đoàn, nhóm công dân và cá nhân nào để giúp người dân VRLH và nhóm Luật sư Lộc Hưng trong quá trình bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân VRLH./.

Nhóm Luật Sư Lộc Hưng.

BÀI 2:

164 hộ dân tham gia ký đơn khiếu kiện vụ cưỡng chế đất vườn rau Lộc Hưng

Tác giả: RFA 
Người dân vườn rau Lộc Hưng căng biển phản đối chính quyền cưỡng chế đất

Người dân vườn rau Lộc Hưng căng biển phản đối chính quyền cưỡng chế đất

Courtesy FB Vườn Rau Lộc Hưng

Khoảng 164 hộ dân đã tham gia ký đơn khiếu kiện việc chính quyền quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, tiến hành cưỡng chế, phá dỡ gần 200 căn nhà tại khu vườn rau Lộc Hưng, phường 6, quận Tân Bình hôm 4 và 8 tháng 1 vừa qua. Ông Cao Hà Trực, đại diện những người ký đơn kiện cho Đài Á Châu Tự Do biết như vậy vào ngày 15 tháng 1, đồng thời cho biết thêm là khả năng con số người ký sẽ tăng thêm trong ngày mai khi các hộ dân ở đây dự kiến sẽ nộp đơn lên các cơ quan chức năng của thành phố.

“Số lượng người đến ngày hôm nay là 164 người ký đơn khiếu kiện và tố cáo đập tài sản, gửi đến các cơ quan chức năng, và con số này là chưa hết.”

Truyền thông trong nước những ngày qua trích thông tin từ đại diện quận Tân Bình cho biết vụ cưỡng chế tại vườn rau Lộc Hưng chỉ áp dụng đối với 112 căn nhà xây dựng trái phép, và đã có 134 hộ dân ở đây đăng ký sử dụng đất với chính quyền trong các năm 1991, 1995 và 2005. Tuy nhiên, ông Cao Hà Trực cho biết con số những căn nhà bị phá lên đến hàng trăm bao gồm cả những chòi được người dân xây lên để chăn nuôi từ cả chục năm qua.

Ông Trực cho biết, đơn kiện của các hộ dân ở đây sẽ nêu lên những vi phạm pháp luật của chính quyền trong việc thực hiện cưỡng chế:

“Trong đơn khiếu kiện, chúng tôi đưa ra nhiều vấn đề. Thứ nhất là chúng tôi không nhận được quyết định thu hồi mà tại sao phá đất bình điện của chúng tôi. Thứ hai nữa là không có quyết định thu hồi mà đập nhà mà đập nhà không đúng quy trình thủ tục. Chúng tôi yêu cầu được trở lại đất của mình đúng như quận Tân Bình đã trả lời các cơ quan chức năng là chỉ cưỡng chế những nhà xây dựng trái phép từ ngày 1/1/2018 mà tại sao đập những căn nhà từ 9 hay 10 năm về trước rồi”.

Chúng tôi yêu cầu được trở lại đất của mình đúng như quận Tân Bình đã trả lời các cơ quan chức năng là chỉ cưỡng chế những nhà xây dựng trái phép từ ngày 1/1/2018 mà tại sao đập những căn nhà từ 9 hay 10 năm về trước rồi. – Cao Hà Trực

Tờ Sài Gòn Giải Phóng, cơ quan ngôn luận của thành ủy thành phố Hồ Chí Minh hôm 15/1 có bài viết cho biết cả 134 hộ dân đã đăng ký sử dụng đất đều có nhà ở bên ngoài khu đất. Tuy nhiên, ông Cao Hà Trực cho biết điều ngược lại.

“Ở trong đó cũng có những người có nhà ở bên ngoài như gia đình tôi đã 3 đời rồi từ ông bà đến cha mẹ. Bố mẹ tôi có nhà rồi có 9 người con thì phân đất cho 9 người ở. Sài Gòn nghèo lắm chứ đâu có đất đâu thì chia cho con để ra vườn xây ở, đó gọi là nhà ở. Có những nhà 30 người ở trong 40 m2 đất. 2m23… có những người bán nhà hoàn toàn họ không còn gì thì họ ra vườn ở hết.”

Bản thân gia đình ông Trực là những người đã có đất ở khu vực này từ thời Pháp thuộc, khi mảnh đất 4,8 ha này được hội Thừa sai Paris giao cho người dân sử dụng để ở và trồng rau. Ông Trực cho biết 5 căn nhà,12 căn phòng trọ và một số căn chòi của những người trong gia đình ông cũng bị phá trong đợt cưỡng chế ngày 8/1 vừa qua.

Tờ Sài Gòn Giải Phóng cho biết khu đất vườn rau đã được quy hoạch làm công trình công cộng nhưng người dân ở đây đã tiến hành xây dựng không phép trên khu đất này, đặc biệt là trong giai đoạn 2018. Đại diện địa phương được tờ báo trích lời cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là vì địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý vi phạm xây dựng trong khi nhiều người manh động khi chính quyền động chạm.

Ngoài ra tờ Sài Gòn Giải Phóng cũng cho biết tình hình khu đất khá phức tạp với việc chuyển nhượng đất bằng tay, người dân mua đất nông nghiệp với giá 10 triệu đồng/m2 rồi xây dựng không phép để cho thuê phòng trọ hoặc cho thuê mặt bằng kinh doanh. Ông Cao Hà Trực lý giải về trường hợp này.

“Đất của chúng em đã được đủ điều kiện để xác nhận cơ sở pháp lý có nghĩa là chúng em được giao dịch. Khi đến năm 1999 chúng em đã đi kê khai nhưng chính quyền đã không xác nhận cơ sở pháp lý cho chúng em theo như luật định và trong suốt mấy chục năm qua, vì hoản cảnh khó khăn nên một số người đã cắt một phần đất để bán và để cho con cái người ta sinh sống, vì vậy mới có tình trạng có người bán và người mua.”

Ông Cao Hà Trực cho biết từ năm 1999 đến 2008 nhiều hộ dân ở đây đã khiếu kiện lên thành phố đòi quyền được chứng nhận đất. Tuy nhiên vụ kiện sau đó đã chìm vào im lặng vì chính quyền địa phương không có trả lời dứt khoát với người dân về những đòi hỏi của họ, theo lời của ông Cao Hà Trực.

Sau vụ cưỡng chế đất hôm 4 và 8/1 và gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ của người dân, mới đây, vào ngày 13/1, truyền thông trong nước cho biết chính quyền quận Tân Bình đã đề nghị hỗ trợ 7.055.000 đồng/m2 đất vườn rau Lộc Hưng cho những người bị ảnh hưởng và hỗ trợ hoa màu từ 4 đến 6 triệu đồng/ tháng trong 3 tháng cho những hộ có hoa màu bị ảnh hưởng do cưỡng chế.

Sài Gòn Giải Phóng hôm 15/1 cho biết đã có 30/134 hộ dân kê khai, đăng ký nhận hỗ trợ theo chính sách quận mới công bố.

Tờ báo cũng cảnh báo tình trạng một nhóm đối tượng chuyên “khống chế’ người dân, ép họ phải theo sự dẫn dắt của họ. Ông Cao Hà Trực cho rằng tờ báo của thành ủy đang có ý nói đến ông là người vẫn thường xuyên công khai hướng dẫn cho bà con trong khu vực vườn rau về các vấn đề  pháp lý liên quan đến khu đất và những sai phạm trong quá trình cưỡng chế.

BÀI 3:

Vì sao quận Tân Bình cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng trước Tết?

 Lãnh đạo UBND quận Tân Bình lý giải về việc giải tỏa các công trình trái phép ở khu vườn rau Lộc Hưng trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.

124 hộ sử dụng đất vườn rau có nhà bên ngoài

Sáng nay, trao đổi với VietNamNet, một lãnh đạo UBND quận Tân Bình cho biết, hôm qua, quận đã có cuộc họp với Ban tuyên giáo Thành ủy TP liên quan tới vụ việc giải tỏa ở vườn rau Lộc Hưng.

Tại cuộc làm việc, quận Tân Bình cung cấp khung pháp lý và các thông tin xung quanh khu đất vườn rau Lộc Hưng.

Vị này cho biết, theo số liệu từ phường 6, có 124 hộ sử dụng 134 thửa đất với diện tích 4,8ha ở vườn rau Lộc Hưng đều có nhà ở bên ngoài.

“Các công trình xây dựng trái phép ở khu vườn rau chủ yếu là nhà trọ, hàng quán. Khi quận cưỡng chế, những người thuê nhà ở khu đất đã đi thuê chỗ khác” – vị lãnh đạo quận nói.

Vì sao quận Tân Bình cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng trước Tết?
Các công trình trái phép ở vườn rau Lộc Hưng bị cưỡng chế

Sau 2 lần cưỡng chế (ngày 4 và 8/1), quận chưa ghi nhận việc người dân tái lấn chiếm và quận cũng cử lực lượng túc trực, đảm bảo không xảy ra việc này.

Nói về việc giải tỏa khu vườn rau Lộc Hưng vào thời điểm khi Tết Nguyên đán Kỷ Hợi cận kề, vị này cho biết, hiện nay không quy định cấm cưỡng chế ở một khoảng thời gian nhất định nào, nhưng lưu ý là phải trước Tết 15 ngày.

“Quận có kế hoạch cưỡng chế từ năm 2017 và  ban hành nhiều quy định, xác lập các biên bản xử lý từ trước đó, đồng thời đã báo cáo thành phố để cân nhắc kỹ” – vị này khẳng định.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến thực trạng xây trái phép trong vườn rau Lộc Hưng, vị này cho hay, địa phương ngăn cấm nhưng người dân luôn tìm cách “vượt rào”.

“Người dân xây dựng bất kể lúc nào. Quy định cấm xe tải hay các phương tiện chuyên chở vật liệu vào thì họ lấy xe máy chở từng bao cát, viên gạch và ngụy trang che đậy để tránh bị phát hiện” – vị lãnh đạo nói. Ông cho biết, lực lượng chức năng có túc trực xử lý nhưng không đảm bảo đủ quân số, thời gian.

“Khi phát hiện việc xây trái phép, phường 6 kết hợp với quận xử lý nhưng các hộ dân này chống đối quyết liệt. Họ tạt phân, tạt nước tiểu, ném đá, thậm chí bắt nhốt cả cán bộ” – vẫn lời vị này.

Theo vị này, để xảy ra xây dựng trái phép ở vườn rau Lộc Hưng, với vai trò là người đứng đầu, Chủ tịch UBND quận Tân Bình Châu Văn La đã nhận trách nhiệm với các cấp thẩm quyền.

Xác định nhóm người chống đối quyết liệt

Đại diện UBND phường 6 cho biết, tính tới đêm qua, có 32 hộ dân tới nhận thông báo chủ trương dự án, khung chính sách hỗ trợ ở khu vườn rau Lộc Hưng mà quận công bố.

“Có tất cả 124 hộ sử dụng 134 thửa đất ở khu vườn rau, nhưng hiện phường chỉ mới mời được 35 hộ vì còn phải tiếp, giải thích cho người dân hiểu nên không thể mời hết một lần. Có 32/35 hộ dân được mời đồng ý với chủ trương về khung chính sách hỗ trợ” – đại diện phường 6 nói.

Vì sao quận Tân Bình cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng trước Tết?
Dọn dẹp xà bần sau khi cưỡng chế các công trình trái phép ở vườn rau Lộc Hưng 

Cũng theo vị này, phường cử 6 tổ cán bộ vận động người dân hiểu về chính sách xung quanh vườn rau Lộc Hưng, nhiều người dân đã đồng thuận.

Tuy nhiên, có 1 nhóm khoảng 5 người luôn tìm cách chống đối. Nhóm người này ngăn cản, đe dọa những hộ dân đồng thuận với chủ trương của chính quyền.

“Thay vì cán bộ xuống trực tiếp gặp người dân, phường đề xuất để người dân tự lên phường. Như vậy, bà con không bị để ý và cuộc làm việc sẽ thuận lợi hơn” – đại diện UBND phường cho hay.

Sau khi người dân ở vườn rau Lộc Hưng ký vào biên bản đồng ý với chủ trương dự án, khung chính sách hỗ trợ, sẽ được phát tờ mẫu kê khai cùng với các giấy tờ liên quan. Lúc này, Hội đồng hỗ trợ sẽ xem xét từng hồ sơ.

Quận Tân Bình đang rà soát xem có chủ sở hữu mới không, để người dân tiếp tục kê khai. Ngoài ra, quận này đối chiếu các thời kỳ về công tác quản lý, kê khai tại địa phương của các năm 1991, 1995 và 2005, nếu trùng khớp về diện tích, đối tượng kê khai không thay đổi , quận sẽ tạm ứng kinh phí hỗ trợ trước Tết Nguyên đán. Số còn lại, dự kiến sẽ được giải quyết sau.

Dự kiến 7 – 10 ngày tới, nếu không có gì thay đổi, quận sẽ tạm ứng đợt đầu cho những hồ sơ kê khai một chủ, chưa có chuyển nhượng.

Đối với nhóm mua bán giấy tay, quận Tân Bình sẽ thành lập hội đồng, đối chiếu với các thời kỳ kê khai để tính toán thêm.

Về nhóm người tìm cách chống đối, ngăn người dân tiếp cận thông tin về khu đất vườn rau Lộc Hưng, cơ quan chức năng khẳng định sẽ có phương án xử lý.

Nguồn gốc pháp lý khu vườn rau Lộc Hưng

Theo UBND quận Tân Bình, khu đất “vườn rau Lộc Hưng” có diện tích 4,8ha, tọa lạc tại phường 6.

Trước 30/4/1975, khu đất do Nha giám đốc Viễn thông chế độ cũ quản lý sử dụng làm đài ăngten. Sau năm 1975, Nhà nước quản lý và giao Trung tâm Viễn thông 3 tiếp quản và sử dụng làm đài phát tín. Năm 1991, khu đất trên được giao cho Bưu điện TP.HCM.

Ngày 25/4/2008, UBND TP.HCM ban hành quyết định thu hồi khu đất giao UBND quận Tân Bình để thực hiện dự án công trình công cộng và chung cư cao tầng phục vụ chương trình tái định cư của TP và quận.

UBND TP và quận Tân Bình quyết định điều chỉnh quy hoạch khu đất với chức năng giáo dục, công viên cây xanh và công trình công cộng.

Cụ thể, có Trường mầm non Sơn Ca (diện tích 6.300m2, quy mô 20 phòng học, 1 trệt, 3 lầu, 700 học sinh); Trường tiểu học Hùng Vương (diện tích 9.400m2, quy mô 30 phòng học, hơn 1.000 học sinh); Trường THCS Mạc Đĩnh Chi (12.200m2, 45 phòng học, trên 2.000 học sinh).

Ngoài ra, còn dự án xây dựng hạ tầng giao thông khu vực cụm trường học đạt chuẩn quốc gia (đường và công viên cây xanh), tổng mức đầu tư 117,096 tỷ đồng.


Hỗ trợ hơn 7 triệu đồng/m2 đất khu vườn rau Lộc Hưng

Hỗ trợ hơn 7 triệu đồng/m2 đất khu vườn rau Lộc Hưng

 Quận Tân Bình áp dụng đơn giá đất nông nghiệp 7 triệu đồng/m2 để hỗ trợ người dân sử dụng đất tại khu.

———— 

https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/vi-sao-quan-tan-binh-cuong-che-vuon-rau-loc-hung-truoc-tet-502783.html