Sức mạnh truyền thông và… khủng hoảng truyền thông

Tác giả: FB Hoàng Nguyên Vũ

.KD: Đọc được bài viết này của nhà báo Hoàng Nguyên Vũ với nhan đề: “Nếu tranh cãi thì cần chứng cứ, đừng theo kiểu quen hơi nồi chõ”, thấy là một bài viết thẳng thắn, trung thực. Nhưng vì sao trong đời sống này xảy ra hai hiện tượng khác hẳn nhau- hôm qua đúng, nay đã lại sai rồi. Là bởi đó là ” truyền thông” của hai thời cuộc lịch sử khác hẳn nhau về bối cảnh của sự phát triển.

Một thời người ta “tin’ tất cả những gì thuộc về chính thống. Còn thời bây giờ, người ta kiểm nghiệm bằng nhiều phương tiện thông tin đa chiều. Và vì vậy, mà sự thật sớm muộn gì cũng phải được kiểm nghiệm để trả lời câu hỏi- đó có phải là sự thật không?

Title bài, Blog KD/KD xin được đặt lại

—————–   

Có lẽ, vụ việc mấy ông nhà thơ nói “chị Sáu tâm thần” rồi bỡn cợt trong clip, tung lên mạng, mục đích: để chứng minh mấy ông cộng sản hay tuyên truyền, xây dựng hình ảnh không có thật hoặc khác đời thực, không phải là chuyện mới mẻ gì.

Và cái này không mới: các ông cứ nói chứ chẳng bao giờ chứng minh điều mình nói nó đúng từ cơ sở nào. Thậm chí, trong số họ, cũng có kẻ vài lần ra Côn Đảo thắp hương xin xỏ người mà họ đang bỡn cợt kia.

Với 6 năm đi tìm nhân chứng của cả hai miền đất nước viết về thân phận hậu chiến, tôi cũng có thể nói rằng: Việc tuyên truyền bằng một số hình ảnh không có thật hoặc khác sự thật, là có. Tôi cũng đã gặp khá nhiều anh hùng trong hai cuộc chiến. Cảm giác của tôi sau khi gặp họ và ám ảnh tận bây giờ, tôi chỉ đúc kết thành một câu mà vẫn hay nói với mọi người: Cuộc đời đừng nên làm anh hùng. Hãy làm một người bình thường. Vì anh hùng đi kèm với bi kịch.

Có lẽ, câu chuyện Lê Văn Tám là câu chuyện đáng giật mình nhất. Mà khen các ông tuyên truyền sao mà giỏi thế. Đến nỗi, có một trường nào đó ở miền tây cứ nghĩ ông Lê Văn Tám có thật. Đến mức mà khi in kỷ yếu, họ lên mạng tìm ảnh ông Lê Văn Tám. Cuối cùng: Lấy nhầm ảnh của một tên tử tù giết người hiếp dâm, cũng có tên là Lê Văn Tám đưa vào kỷ yếu. Vì làm gì có ông Lê Văn Tám nào thật ngoài đời đâu? Vụ này, mới thấy cái gọi là sức mạnh của tuyên truyền 🙂

Tôi gặp kha khá người. Hầu hết, hình ảnh của họ ngoài đời và những gì trên văn trên thơ trên báo trên phim trên ảnh không mấy giống. Tôi có thể đưa ra một số ví dụ:

1/ Bà Nguyễn Thị Kim Lai, O du kích nhỏ giương cao súng trong câu thơ nổi tiếng của Tố Hữu nói: “Trời ơi, tui có mần được cấy chi mô, đừng viết nữa. Ngày xưa ông Phan Thoan nói tui cầm súng dẫn thằng Mỹ đi để ông chụp ảnh. Lúc hấn bị trói rồi ai dẫn mà nỏ được? Báo chí sách vở ca ngợi tui quá, tui rầy (xấu hổ)

2/ Bà Nguyễn Thị Huỳnh (nguyên mẫu chị Tư Hậu trong truyện ký Một chuyện chép ở bệnh viện), người mang tên một con đường ở quận Phú Nhuận, Sài Gòn, khi tôi gặp con cháu, họ cũng nói rằng mẹ họ không giống như những gì trong cuốn hồi ký của nhà văn Bùi Đức Ái (nhà văn Anh Đức)

3/ Chị Út Tịch và những đứa con của chị ấy. Nội cái chuyện chị Út ngồi trên lá dừa cởi quần đái trên đầu địch là đã khó tin đến cỡ nào. Lá dừa mỏng mảnh thế, chị Út ngồi vào đâu để đái? Có khi chưa kịp đái, cả chị lẫn lá dừa rơi bộp xuống và thành tử sĩ ngay tại chỗ, hoặc nhẹ nhất cũng là thương binh sọ não. Với cả, chẳng chị em nào lại tênh hênh mọi thứ thế cả.

Có trách thì trách mấy ông nhà văn nhà thơ nghệ sĩ chúng ta hư câú nhiều quá, làm mất vẻ nguyên bản của nguyên mẫu thôi. Và chuyện này là có.

Xây dựng hình mẫu rồi cứ thế cơ cấu lên, cuối cùng có thể làm lãnh đạo như chơi ấy nhé (đã có một bà Bộ trưởng, đi lên từ một cô dân quân vác đạn bên cầu Hàm Rồng chẳng hạn)

Ngay cả tôi cũng từng “dính đạn”

Hồi viết ký sự Theo dấu chân thành cổ khi còn làm báo Quân đội, tôi có nghe bà Đặng Thị Xơ (Thái Bình) kể lại câu chuyện của bà với người chồng cũ, là một liệt sĩ Thành Cổ. Bà Xơ sẽ là một người phụ nữ không được báo chí viết nếu như không có bức thư chồng cũ gửi bà được chôn trong lòng đất cùng người quá cố. Hôm đó, bà Xơ kể về mình rất hay. Cũng thương chồng, thương mẹ chồng lắm lắm. Rồi cuối cùng bài báo bị gia đình ông liệt sĩ kia phản ứng, rằng bà này không đẹp như thế. Chồng chết, bà không ở với nhà chồng nữa và về nhà mẹ đẻ rồi nghe đâu đi bước nữa luôn.

Vụ đó, tôi bị rút giải thưởng: Giải nhất phóng sự báo chí về đề tài chiến tranh và hậu chiến tranh, cùng với việc treo bút 6 tháng.

Vậy đấy, nhiều khi nghe nhân chứng nói mà còn chưa phải là sự thật, chứ đừng nói là ngồi quán bia quán nhậu mà phán. Lịch sử xứ ta có nhiều điểm lung linh lắm. Và nhiều hình ảnh có lợi cho phe thắng thế, có lẽ nhiều người biết rõ về điều này. Nhưng muốn chứng minh một điều gì để mọi thứ tốt hơn, thì hãy thuyết phục bằng chứng cứ, hơn là ngồi trà dư tửu hậu phán bừa rồi tung lên mạng vì những mục đích của bản thân.

Mà cái này tôi nói thẳng, ai ném đá cứ việc: mấy ông nhà văn nhà thơ hồi xưa có vẻ khoái khẩu món này. THích ngồi nói, thích thể hiện. Nếu các ông muốn chứng minh một điều gì đó, giờ mạng xã hội phát triển, cứ viết nhưng phải chứng minh được điều mình nói. Chẳng ai cấm được các ông đâu. Còn nói mà không chứng minh được, xin đừng nói.

Tôi hoàn toàn giã từ việc viết lách về hậu chiến bắt đầu từ khi bước chân tôi qua bên kia đèo Hải Vân. Tôi có nhớ tôi viết về 2 liệt sĩ xứ Huế là Trần Quang Long và Ngô Kha, nhưng khi gặp người thân của họ, cùng những bạn bè xuống đường đồng trang lứa, họ nói, sách viết không đúng.

Rồi đi sâu hơn, gặp thuyền nhân, tôi biết rằng cuộc chiến này không như mình nghĩ, không như những gì mình nghe. Tôi dừng lại vì tôi hiểu: Người Việt đang ca tụng nhau vì bắn giết nhau trong suốt từng ấy năm. Để rồi, kẻ thương tật kẻ lưu vong, đất nước bom đạn làm cho tan hoang, thù hận kéo dài và những văn minh bị huỷ hoại. Vậy thôi.

Bạn có quan điểm của bạn, tôi có quan điểm của tôi. Có thể chúng ta không gặp nhau về mặt quan điểm nhưng hãy hiểu rằng, từng ấy năm trôi qua, cha anh chúng ta đã mất mát quá nhiều và chúng ta cũng mất mát. Khơi dậy thù hận chẳng để làm gì và cũng đừng hát hoan ca nhiều nữa để làm gì. Đau lắm.

P/s Tôi từng gặp nhà văn Thuỳ Linh, để tìm hiểu về nguyên mẫu của Nguyên từng lấy nước mắt bao thế hệ trong truyện “Mặt trời bé con của tôi” của chị. Tôi từng hỏi chị rằng Nguyên có thật hay không, chị nói: “Nguyên là hư cấu. Nhưng có bóng dáng thế hệ chị, những người lên đường đánh bọn bành trướng phương Bắc năm 1979. Nhưng giờ thì không nên nói nhiều nữa. Nguyên đã hết sứ mệnh của anh ấy thời đó và giờ nói thêm sẽ “không bình thường”. Xứ Việt ta là thế, tuyên truyền đến nỗi làm dân thấy sống với chiến tranh là bình thường, đến lúc về thời bình không sống bình thường được nữa”.

Vâng, có những hình mẫu đã hết sứ mệnh của họ, thì cũng hạn chế sử dụng ạ. Tuy nhiên, tôi vẫn luôn nói không với việc bỡn cợt và nói về họ khi bạn không chứng minh được điều bạn nói. Vô hình trung, bạn cũng là kẻ dối trá.