Nước Việt dấn thân và chuyện Thượng đế, Hạ đế!

Tác giả: Kỳ Duyên

KD: Đây là bài viết cho mục Ấn tượng trong tuần t7 hàng tuần. Nhưng khi đưa lên, bài của mình đã bị xóa hẳn 1/2, về Biển Đông, và chuyện giàn khoan 981, với email của TBT: Mong chị rất thông cảm….

Khi viết những dòng này, mình đã nghẹn cổ. Có làm báo ở một tờ tử tế như VNN mới hiểu gánh nặng áp lực của người quản lý, và của chính những người cầm bút như mình. Có những điều rất đau mà phải im lặng. Có những điều khốn khổ của tờ báo, cũng phải im lặng. Và hôm nay, đọc những thông tin mới trên mạng XH, mình bỗng hiểu…

May mà mình có cái Blog nhỏ bé, tri kỷ tri âm của mình, là nơi để có thể gửi gắm nỗi buồn đau, xa xót trước vận nước trong một thời tao loạn…

Nay đưa cả bài viết lên Blog, để bạn đọc nếu quan tâm thì đọc và chia sẻ.

Cảm ơn bạn đọc đã lắng nghe!

———–

Nhưng câu trả lời sắp tới vẫn là, liệu nước Việt có can đảm thực sự ‘dấn thân” vào sự đổi mới chính mình, từ tư duy đến hành động hay không?

I-Đúng những ngày này, khi cơn bão có tên Thần Sấm (Rammasun) cực mạnh tiến vào Biển Đông, thì xã hội như “chùng” xuống. Giàn khoan Hải Dương 981 đóng phi pháp trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN đã di chuyển. Còn gia đình những ngư dân (07 người ở Quảng Bình, 06 người ở Quảng Ngãi) vô cùng mừng vui nghe tin chồng, con họ- bị TQ Quốc bắt khi đang đánh cá trên Biển Đông, được thả.

Tàu Trung Quốc (trái) đuổi theo hai tàu cá Việt Nam - Ảnh cắt từ clip

Tàu Trung Quốc (trái) đuổi theo hai tàu cá Việt Nam – Ảnh cắt từ clip. Nguồn: Xaluan.com

Họ là cả thế giới- hạnh phúc xen lẫn cực nhọc- của những người đàn bà chân yếu tay mềm, những người vợ, người mẹ già, của những đứa con thơ, ngày đêm mong mỏi chồng, con, cha của mình trở về xum họp. Xum họp để rồi ngày một ngày hai, lại tất tả- vội vã trở về vội vã ra đi…

Biển cả, tự lâu đời, đã là đời sống, là máu thịt của họ và gia đình họ.

Ở góc độ nào đó, họ- những ngư dân nước Việt vẫn là những người “dấn thân”. Vì mưu sinh, và vì sự có mặt của họ là một cách khẳng định sinh động chủ quyền biển đảo quốc gia.

Giữa bối cảnh đất nước đang phải đối mặt với một “láng giềng anh em”, nhưng có đủ mưu ma chước quỷ thực hiện tham vọng bành trướng. Cái khái niệm “anh em” kỳ cục này hẳn không hề có trong từ điển tiếng Việt. Với cách “đóng dấu” bằng giàn khoan ngạo mạn và bất chính lên chủ quyền biển đảo nước Việt, TQ đang thử phản ứng của tất cả các quốc gia có quyền lợi ở Biển Đông, cũng như với cả cộng đồng quốc tế.

Điều hài hước nhất, trước đó, từ năm 2004, TQ cũng là quốc gia đưa ra học thuyết “trỗi dậy hòa bình”. Nhưng nếu đọc nội dung của học thuyết này, và xem những gì TQ đang hành động, hẳn sẽ thấy tính … thò lò hai mặt. Đó là: 1/ TQ sẽ không tham vọng quyền bá chủ. 2/ Sự trỗi dậy về kinh tế và quân sự của TQ sẽ không đe dọa tới an ninh và ổn định của khu vực cũng như của thế giới. 3/ Các nước khác sẽ được hưởng lợi từ việc TQ gia tăng sức mạnh và tầm ảnh hưởng (Nghiên cứu BĐ, ngày 22/5).

Tàu TQ phun vòi rồng vào tàu VN. Nguồn Trên mạng

Từ “trỗi dậy hòa bình” trong lý thuyết sang “trỗi dậy… bành trướng” trong việc làm, giữa khoảng cách đó, là tính hai mặt của một quốc gia mạnh và thâm hiểm, nhưng luôn nhất quán về bản chất.

Không hiểu VN được hưởng lợi gì, từ việc TQ gia tăng sức mạnh ở Biển Đông? Hãy xem sau 2,5 tháng TQ hạ đặt “con dấu” phi pháp, đặt nước Việt trước những thách thức mới khôn lường, cái sự “trỗi dậy hòa bình” ở Biển Đông của TQ thế nào?

Đó là, cùng với hàng trăm tàu hộ tống, bao gồm cả tàu quân sự, máy bay trinh sát điện tử bảo vệ, các tàu của TQ đã vây ép, đâm, húc, phun vòi rồng công suất lớn vào các tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư VN đang thực thi nhiệm vụ, làm bị thương nhiều cán bộ kiểm ngư, gây tổn thất cho các lực lượng thực thi pháp luật, thậm chí đâm chìm cả tàu cá của VN. Và bắt đi 13 ngư dân.

Đáng chú ý, mới đây, TQ còn điều cả 03 tàu ngầm hạt nhân Type 094 có khả năng mang tên lửa đạn đạo đến Biển Đông, neo đậu tại đảo Hải Nam. Theo tờ Washington Free Beacon, một tờ báo trực tuyến của Mỹ, những tàu ngầm này sẽ thường xuyên tiến hành hoạt động tuần tra ở khu vực Biển Đông và Thái Bình Dương. Trước đó, TQ đã điều tàu hộ vệ tên lửa dẫn đường Type 056 Luzhou và Qinyuan đến khu vực này. (VietNamNet, ngày 09/7).

Trong khi đó, ngày 10/7, trên vùng biển đặc quyền kinh tế của VN, tàu TQ, treo biểu ngữ bằng tiếng Việt: TQ – VN hữu nghị chung sống hòa bình với nhau. Thật là … hữu nghị viển vông, và cũng thật là hài.

Vừa mới ngang ngược tuyên bố Tập đoàn Dầu khí quốc gia TQ (CNPC) đã hoàn thành việc khoan và thăm dò ngoài khơi dầu mỏ và khí đốt tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN, thì mới đây, TQ ngang nhiên đăng ký Con đường tơ lụa hàng hải với Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO), lấy cớ bảo vệ các địa điểm khảo cổ ở Biển Đông để khai quật trong thời gian tới, trong đó có quần đảo Hoàng Sa của VN. Tất cả những điều đó là gì, nếu không phải là để thực hiện ý đồ vương bá ở Biển Đông?

Phải hiểu thế nào về những hành động, mà trong học thuyết của mình, TQ tự xưng sẽ không tham vọng quyền bá chủ?

Thế nên, động thái mới nhất của TQ ngày 16/7, rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của VN, liệu có phải chỉ vì cơn bão mạnh Rammasun? Hay TQ còn rất nhiều những toan tính khác? Mà như GS Carl Thayer, chuyên gia hàng đầu về Biển Đông đã nhận định: Hai toan tính của TQ khi dời giàn khoan về đảo Hải Nam, là ngăn VN kiện ra tòa án quốc tế, và ngăn VN bắt tay với các nước khác (VnExpress, ngày 16/7)

Không phải ngẫu nhiên tướng Lê Văn Cương lo ngại: Đừng nghĩ TQ rút nghĩa là bỏ chạy. TQ có thể sẽ kéo một giàn khoan khác nhỏ hơn, hiệu quả hơn hoặc thậm chí kéo 2-3 giàn khoan cùng một lúc và có thể ký hợp đồng với nước ngoài cùng khai thác dầu khí.

Không ai có thể tin vào một quốc gia đầy mưu kế, đến mức có cả một thành ngữ để… vinh danh- thâm nho như Tàu!

Tuy nhiên, trước học thuyết “trỗi dậy hòa bình” và thực hành bành trướng, trước bản chất hai mặt, tham vọng bá chủ ngông cuồng của TQ, và trước “gót chân Asin” của TQ như nhận định của vị GS Carl Thayer, ý kiến của nhiều chuyên gia nghiên cứu đặt ra rất nhiều phương án, tình huống- nước Việt luôn phải chủ động trước mọi thách thức cam go, nắm bắt thời cơ làm chủ vận mệnh của mình.

Mà trước hết là “đối diện với chính mình” như một nhà báo đã nhận xét. Giàn khoan 981 đã làm bạch hóa các vấn đề của lịch sử, kể cả những ấu trĩ ngộ nhận, hoặc sai lầm đau đớn, để nước Việt có thêm trải nghiệm, khôn ngoan hơn. Đó lại là “yếu tố tích cực” mà giàn khoan 981 bất ngờ … góp phần.

Sự đối diện với chính mình đó là gì? Nếu không phải là xem xét các vấn đề về kinh tế, làm tăng sức mạnh nội lực đất nước- con đường đúng đắn nhất và lớn nhất, nước Việt phải đi và phải đến.

Đó là VN sẽ phải hướng đến những bạn hàng bình đẳng hơn, với cán cân thương mại thăng bằng hơn cho VN. Và nhất là mở rộng quan hệ thương mại để tránh phụ thuộc. Con số này đang có chiều hướng tăng lên nhanh: Năm 1986, VN mới chỉ có quan hệ trao đổi hàng hoá với 43 quốc gia. Năm 1995 là 100, năm 2000 là 192, và đến hết năm 2013, con số này lên tới gần 240 quốc gia và vùng lãnh thổ. (Người Đô thị, ngày 16/7).

Nhưng câu trả lời sắp tới vẫn là, liệu nước Việt có can đảm thực sự ‘dấn thân” vào sự đổi mới chính mình, từ tư duy đến hành động hay không?

                                                                     *****************************
II– Trong khi đó, có hai vụ việc, một thuộc về bầu trời, một thuộc về mặt đất, khác biệt nhau hoàn toàn về công việc, môi trường, hoàn cảnh, nhưng giống nhau một điều khiến dư âm của cả hai vụ việc này chẳng biết nên khóc hay nên cười. Hay nửa cười nửa khóc?

Thượng đế nằm vạ vật trên sân bay Đà Nẵng. Nguồn: Tin 247.com

Bởi gánh chịu hậu quả của cả hai phía- trời và đất- lại đều thuộc về … con người. Chính xác là những người dân thường, là khách hàng- thường được gọi một cách hoa mỹ là Thượng đế.

Thượng Đế, nghĩa đen là “Vua ở trên cao” một cách tôn kính.

Còn ở đây, các Thượng đế luôn phải nằm vạ vật tại các sân bay. Bởi máy bay các hãng (hàng không VN), phương tiện chở Thượng đế đi công tác, nghỉ phép, đi chơi, 06 tháng qua, luôn bị chậm, bị hủy, mà tỷ lệ này lại tỷ lệ… thuận với thời gian. Đến 25% trên tổng số chuyến bay. Trong khi con số này cùng kỳ năm ngoái là 16%. “Đứng đầu” lại là hãng có tuổi đời non trẻ. Đứng cuối lại là hãng… già đời. Rõ là trẻ chưa chắc đã nhanh, già chưa chắc đã chậm?

Lý giải hiện tượng này, báo cáo của Cục HK nhìn nhận: Trong các nguyên nhân của việc chậm chuyến, hủy chuyến, có tới 50% xuất phát từ lý do thương mại, nói theo nghĩa đen, là tiền bạc, lờ lãi. Tiếp đến mới là tại cơ sở vật chất của cảng HK. Tính ra, cứ 04 chuyến bay có một chuyến chậm hoặc hủy.

Nhưng trước đó, tháng 06, một vụ việc xảy ra hệt tinh thần tác phẩm “Những người thích đùa” của Aziz Nesin. Đó là việc máy bay của một hãng HK chở khách đi Đà Lạt, lại hạ cánh nhầm ở Cam Ranh. Chỉ vì tổ lái không được thông báo đầy đủ theo quy định. Cũng may mà tổ lái mới chỉ lái nhầm từ Đà Lạt thành Cam Ranh… Nhưng điều này mới đáng quan tâm, Cục HKVN đã báo cáo vụ việc muộn, có dấu hiệu bưng bít thông tin.

Còn vụ việc này, xảy ra mới đây thì khó có thể cười. Do thiếu trách nhiệm và thiếu kinh nghiệm, kiểm soát viên không lưu đã cấp lệnh cho máy bay của Jetstar Pacific cất cánh trên đường băng 17L (sân bay Đà Nẵng), trong khi một máy bay của Vietnam Airlines vừa hạ cánh, chưa kịp thoát ra khỏi đường bay. Cú thiếu “kép” của vị kiểm soát viên không lưu, khiến hai máy bay suýt va chạm ngay trên đường băng. Thử hỏi, nếu hai chiếc máy bay đụng đầu, chuyện gì sẽ xảy ra, con người sẽ làm gì, nếu không phải là khóc?

Trong khi các Thượng đế còn phải đang nằm vạ vật tại các sân bay, lại có tới gần một triệu Thượng đế ở Thủ đô Hà Nội phải chịu cảnh… ở bẩn. Chỉ vì một đường ống dẫn nước sông Đà, do Vinaconex, một DN lớn, nổi tiếng, chịu trách nhiệm thầu, và được đưa vào sử dụng từ năm 2009, bị vỡ. Vinaconex thì mạnh mẽ, hoành tráng là thế, mà cái đường ống lại hơi…ẻo lả. Tí là vỡ, tí là vỡ.

Chả thế, chỉ mới 05 năm sử dụng, đường ống này đã bị vỡ toác tới 09 lần, một con số vốn được người Việt tin là may mắn, nhưng lại khiến cho gần 70000 gia đình chả… may mắn tí nào, khi không có cả nước ăn lẫn rửa ráy, giữa mùa hè nắng nóng 38-39 độ C.

Báo Xây dựng, ngày 17/ 7 đã phải giật một cái title không thể nản hơn: Nỗi thất vọng mang tên Vinaconex!

Cả hai vụ việc của Trời và của Đất, còn khéo giống nhau ở chỗ, các sai phạm rút cục, toàn thuộc vấn đề kỹ thuật, trừ nguyên nhân sai phạm quản lý, điều hành.

Hiện trạng chậm, hủy chuyến bay, được Cục HK tìm ra 05 nhóm nguyên nhân cũng vậy. Chỉ thấy toàn là lỗi của các hãng HK. Kết quả, các Thượng đế lang thang trong sân bay, hệt những kẻ xảy nhà ra thất nghiệp, được thưởng thức bát mì tôm giá tới 80.000-100.000 đồng cắt cổ. Chỉ vì kiểu kinh doanh độc quyền, trục lợi và vì những tính toán thương mại, cạnh tranh không lành mạnh của các hãng bay.

Còn phía Bộ Xây dựng, trong bài báo của báo Xây dựng, cũng chỉ ra nguyên nhân: Vỡ đường ống dẫn nước sông Đà do chất lượng đường ống không đảm bảo một số chỉ tiêu cơ lý, không có cuộc thí nghiệm nào chứng minh độ bền của đường ống. Đường ống kém chất lượng, xuất phát từ việc Vinaconex lựa chọn nhà thầu năng lực yếu, đơn vị giám sát thiếu năng lực và trách nhiệm. Không thấy một lời nào kết luận nào về cung cách quản lý sơ sểnh.

Chả thế, Phó GS. TS Nguyễn Xuân Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng bình rất tinh tế: Việc lãnh đạo Vinaconex xin lỗi, và động thái thiết lập đội xử lý khẩn cấp chứng tỏ lãnh đạo đơn vị này đã biết lỗi của mình. Nhưng trong cuộc sống, có những lỗi có thể xin được, có lỗi lại phải quy trách nhiệm để xử lý.

Hay xin lỗi đã được tính là… xử lý?

Trong khi ông Bộ trưởng Đinh La Thăng, ở ngay cuộc họp tổng kết của các hãng bay, đã phải khẳng định, 90% nguyên nhân tình trạng chậm, hủy chuyến bay là do sự yếu kém trong điều hành của các cơ quan quản lý Nhà nước, sau đó mới là do các hãng. Và ông đã có một phát ngôn khá ấn tượng: Cục HK còn vô cảm thì máy bay còn chậm, hủy chuyến. Lỗi lớn nhất tồn tại trong ngành HK hiện nay là luôn cho rằng “tôi không có lỗi gì mà là lỗi người khác. Ông cũng đề nghị Cục này phải có một đề án đổi mới nâng cao chất lượng dịch vụ HK.

Cái sự vô cảm, cái sự đá bóng trách nhiệm, từ lâu đâu phải là “cốt cách” hay “bản sắc” của riêng ai, ngành nào cấp nào, thưa Bộ trưởng?

Chẳng biết Cục HK rồi đây sẽ xây dựng đề án đổi mới nâng cao chất lượng dịch vụ HK ra sao? Và cũng chẳng biết Vinaconex bị xử lý thế nào, chứ được biết mới đây, t/p HN lại giao cho DN này tiếp tục việc thi công ống nước số 2. Trong khi bản thân Vinaconex tự thú, chưa có kinh nghiệm làm đường ống kiểu này. Và giờ, Vinaconex lại tiếp tục vừa đá bóng vừa thổi còi ở tất cả các khâu khảo sát, thiết kế, thi công, tư vấn giám sát…

Người viết bỗng nhớ một tình huống “phạm luật” khi phải thi bằng lái xe. Đầu đề, một người lái xe đâm phải một người đi đường. Hỏi xử lý thế nào? Câu trả lời: Vác người bị thương để lên xe đưa đến bệnh viện cấp cứu! Tương tự, cái việc Vinaconex tiếp tục được giao làm đường ống nước số 02, có khác gì trao vào tay lái xe gây họa quyết định lần nữa số phận của người bị thương?

Những ngày này, chuyện Biển Đông chưa bao giờ lắng dịu. Đâu đâu cũng nói đến tăng cường sức mạnh kinh tế, sức mạnh nội lực nước Việt, để tránh phụ thuộc vào “người anh em TQ”. Việc đó, đôi khi đòi hỏi bắt đầu từ những việc làm lương thiện trong các DN, bớt đi sự tham nhũng, ăn tiền bất lương.

Nhưng trong khi chờ đợi, thì hẳn các Thượng đế vẫn còn phải trả giá bởi cái sự làm ăn ma giáo đầy kịch tính. Và vì đầy kịch tính, nên Thượng đế vẫn sẽ phải “dấn thân” vào cái sự nửa khóc nửa cười!

Hay gọi quách, từ nay, là các “Hạ đế” cho khỏi phải tôn kính… giả vờ?

————–

http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/186797/bat-mi-san-bay–thuong-de-va-ha-de.html