Bậc tiên tri (Bức thư của Nguyễn Khắc Viện gửi Tố Hữu)

Tác giả: Lê Phú Khải (theo Blog Nguyễn Đăng Hưng)
Sau Đại hội Đảng lần thứ VI, 1986, trả lời phỏng vấn của một tờ báo của Việt Kiều tại Pháp, Nguyễn Khắc Viện nói, đổi mới kinh tế mới được 50%, còn phải đổi mới chính trị, nếu không, sẽ trở thành nền kinh tế của bọn maphia. Bây giờ thì ai cũng thấy điều đó rõ như ban ngày!
.
KD: Bạn bè gửi cho bài viết này. Đây là quan điểm của cụ Nguyễn Khắc Viện. Xin đăng lên để bạn đọc chia sẻ. Blog KD/KD xin đăng những bài viết mang tính phản biện, trao đổi lại bài viết này làm sáng tỏ thực tiễn và những dự báo tương lai  😀
————-
Trước Đại hội 7, Nguyễn Khắc Viện đã gửi thư lên Trung ương, phân tích, khi tư bản hoang dã đầu tư ồ ạt vào nước ta thì chúng sẽ phá hoại môi trường, “nỗi thống khổ và thời gian không cho phép chúng ta trù trừ thỏa thuận mãi được. Đảng nên tự giải tán, giao chức năng quản lý cho nhà nước quyền làm chủ tập thể cho nhân dân”. Đảng sẽ trở thành Đảng đối lập với chính quyền (đã làm ăn với tư bản), đấu tranh để bảo vệ môi trường cho đất nước. Như thế Đảng sẽ sống mãi trong lòng dân tộc.

Những gì Đảng đã làm được trước đó cho dân tộc sẽ còn mãi mãi. Sau bức thư gửi lên Trung ương đó, Nguyễn Khắc Viện trở thành “phần tử phản động”! Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh nói: Nước này có hai thằng Nguyễn Khắc Viện thì tan nát! Tôi ra Hà Nội thăm ông, bà Nhất, vợ ông nói với tôi: Anh Viện đã chuẩn bị sẵn một cái bị quần áo và một cái gậy… để công an gọi thì lên đường ngay! Ở quê Hà Tĩnh, người ta đồn ông đã bị bắt. Vì thế, ông về quê, tổ chức một cuộc nói chuyện ở trường cấp 1 để cải chính là… chưa bị bắt!!!
Bây giờ tư bản hoang dã (như ông nói) phá môi trường ở sông Thị Vải, ở Bauxite Tây Nguyên, ở Formosa biển miền Trung và đang tiếp tục phá môi trường bằng những nhà máy giấy, nhà máy nhiệt điện công nghệ lạc hậu ở khắp các nơi trên đất nước ta, tôi càng thấm thía lời tiên đoán của ông Viện.
Đầu năm mới, ông Tổng bí thư Đỗ Mười chúc mừng năm mới trên đài truyền hình: Chúc đồng bào năm mới làm ăn phát tài! Gặp tôi tại TP HCM ông Viện than: “Nước Pháp nêu khẩu hiệu: “Tự do – Bình đẳng – Bác ái” mà trở nên giàu có. Nếu chỉ nêu khẩu hiệu “phát tài” thì nhà báo như cậu phải bẻ cong ngòi bút mà phát tài, cô giáo phải tấn công học trò mới phát tài, thầy thuốc phải bóc lột bệnh nhân mới phát tài…”. Bây giờ xã hội Việt Nam đạo đức suy đồi, con người lấy dối trá làm lẽ sống, quan chức lập dự án cướp đất của nông dân để mau phát tài…, nghĩ đến bác Nguyễn Khắc Viện, tôi càng thấy ông nói đúng quá. Người phương Tây có câu ngạn ngữ: “Ai đúng sớm quá là sai” (Ceux qui ont raison trop tôt, ont tort.)
Bác Viện đã đi xa 20 năm. Nếu có ai hỏi tôi về ông, tôi sẽ trả lời không chút do dự: Dự báo! Suốt đời con người này dốc toàn sức lực, trí tuệ và tâm huyết của mình để dự báo những gì sẽ đến với dân tộc. Ông không run sợ khi nói lên sự thật, nói đúng sự thật. Và ông đã phải “trả giá” cho những cái “đúng sớm quá” của mình!

Đầu tháng 5 năm 1997, ông yếu nặng, bà Nhất gọi điện vào cho tôi, nhờ tôi “khuyên” ông ăn cháo. Vì đã mấy ngày ông nhất quyết nhịn ăn để chết! Tôi hỏi vì sao? Bà Nhất nói: Ông Viện nói rằng, ông Đỗ Mười Tổng bí thư đã đến thăm nhà ông, mà ông không chết nó cũng… kỳ (!). Sau tôi được biết, do vợ con kêu khóc quá, ông chấp nhận ăn cháo, nhưng lại dặn kỹ: Đừng cho nước mắm vô cháo, vì có đạm, lâu chết lắm!!! Vài bữa sau, ông ra đi.
Viết đến đây tôi nhớ đến lời của Irina, phát thanh viên tiếng Việt đài Mátxcơva: Việt Nam có một đội ngũ trí thức đứng đầu Đông Nam Á. Các nước kia lấy đâu ra một trí thức – người đánh thức không cho xã hội ngủ – như Nguyễn Khắc Viện. Nhưng người ta quyết tâm “ngủ”, không cần ai “đánh thức”.
Ảnh: Nguyễn Khắc Viện trong ngày nhận giải thưởng Grand prix de la Francophonie của Viện Hàn lâm Pháp (12/1992) và thủ bút của Nguyễn Khắc Viện (cuối thư không dùng téléphone mà dùng từ giây nói.

L.P.K

___

 

TU LIỆU;

BỨC THƯ NGUYỄN KHẮC VIỆN GỬI TỐ HỮU

gày 30 – 11 – 1986
Kính gửi anh Tố Hữu
Hôm nay nhân xem lại vài bài dịch thơ anh trong Anthologie de la littérature vietnamiene (Tuyển tập Văn học Việt Nam), thấy không thể không gửi cho anh bức thư này.
Anh Tố Hữu ạ! trước kia đọc thơ, dịch thơ anh cảm hứng đằm thắm bao nhiêu thì nay thấy ngán ngẩm bấy nhiêu. Anh bảo làm bí thư vẫn không bí thơ, chúng tôi thấy anh càng quyền cao chức trọng, đọc thơ anh càng thấy nhạt nhẽo.
Anh mà trở lại Trung ương, trở lại chức quyền, là chôn vùi luôn sự nghiệp thơ trong lòng nhân dân. Rút lui đi, anh Tố Hữu, cứu lấy nhà thơ Tố Hữu. Anh sẽ trở lại với cuộc sống bình dị của một nhà thơ, chan hòa với anh em, anh em chúng tôi lại đón anh với tấm lòng trân trọng quý mến. Xuân này anh sẽ chen vào đám đông đi chợ hoa, đi hội làng Gióng hay Đồng Kỵ chứ không tiền hô hậu ủng nữa.
Anh mà trở lại Trung ương, Bộ Chính trị, thì bài báo đối ngoại đầu năm tôi phải viết sẽ là bài “La  mort d’un poète”(Cái chết của một nhà thơ). Chắc không được đăng, nhưng ít nhất cũng được truyền trong một số bạn.
Vài lời chân thành của một người đã từng yêu thơ của anh, và mong được mãi mãi giữ lấy tình cảm thắm thiết ấy.
                                                     Kính thư

                Nguyễn Khắc Viện,
8 Nguyễn Chế Nghĩa,
Hanoi

_____________________

TỐ HỮU

Tố Hữu, tên thật là Nguyễn Kim Thành ( 1920 –  2002) là một tác gia có vị trí đặc biệt quan trọng, một nhà thơ tiêu biểu của dòng thơ cách mạng Việt Nam. Ông đã từng giữ các chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị của Việt Nam như Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Ông từng đảm nhiệm nhiều chức vụ khác như Hiệu trưởng Trường Nguyễn Ái Quốc, Trưởng Ban Thống nhất Trung ương, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương. Ông còn là Đại biểu Quốc hội khoá II và VII.

Trong thời gian phụ trách mảng văn nghệ, ông là người đã phê phán quyết liệt phong trào Nhân văn-Giai phẩm (1958). Nhiều ý kiến coi ông là tác giả chính của vụ án văn nghệ-chính trị này. Sau khi Lê Duẩn mất, có sự thay đổi mạnh mẽ tiến tới đổi mới nhằm thoát khỏi khủng hoảng kinh tế toàn diện. Ông bị mất uy tín vì vai trò “nhà thơ đi làm kinh tế” qua những vụ khủng hoảng tiền tệ những năm 1980 nên bị miễn nhiệm mọi chức vụ, chỉ còn làm một chức nghiên cứu hình thức. (Xem thêm tiểu sử tại đây.)

NGUYỄN KHẮC VIỆN

Nguyễn Khắc Viện (1913 – 1997) là Nhà hoạt động chính trị – xã hội, nhà nghiên cứu văn hóa và tâm lý – y học – giáo dục, Giải thưởng Nhà nước Việt Nam và Grand prix de la Francophonie của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp. Ông đã để lại nhiều công trình nghiên cứu giá trị cho Việt Nam.

Ông là Bác sĩ, tốt nghiệp tại Đại học Y khoa Paris năm 1941, và cư trú tại Pháp.

Năm 1963, ông về nước sáng lập và chủ biên Tạp chí đối ngoại Nghiên cứu Việt Nam bằng tiếng Pháp và tiếng Anh (Etudes Vietnamiennes, Vietnam Studies) và làm Giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn (nay là Nhà xuất bản Thế giới).

Năm 1984, ông sáng lập và làm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em và tâm bệnh lý (trung tâm NT), xuất bản tờ “Thông tin khoa học tâm lí”, đặc biệt quan tâm đến những trẻ em bị rối loạn tâm trí do hoàn cảnh.

Ông là người yêu nước nồng nàn, có nhiều tư tưởng tiến bộ về chính trị, văn hóa và giáo dục nhưng những đề nghị của ông không được nhà cầm quyền lưu ý.  (Xem thêm tiểu sử tại đây).


LỜI DẪN CỦA NGUYỄN XUÂN DIỆN

Lâm Khang chủ nhân: Thời gian Nguyễn Khắc Viện viết bức thư này chắc là khi ông đang giữ chức vụ Tổng biên tập Tạp chí đối ngoại Nghiên cứu Việt Nam bằng tiếng Pháp và tiếng Anh (Etudes Vietnamiennes, Vietnam Studies) và kiêm Giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn (nay là Nhà xuất bản Thế giới).

Người nhận thư là nhà thơ Tố Hữu khi ấy đã từng giữ chức Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bí thư Ban chấp hành Trung ương.