Về một sự hoài nghi của BBC

Tác giả: Lữ Khách.
KD: Bạn bè iu quí gửi cho bài viết này, xung quanh vụ báo Dân sinh bị gỡ bài viết về ông Nguyễn Hữu Đang. Xin đăng lên để bạn đọc chia sẻ, cảm nhận tùy theo học vấn, phông văn hóa và quan niệm của từng người.

————–

Trong một bài viết có tên “Báo Việt Nam đăng bài về Nguyễn Hữu Đang” trang BBC có đặt vấn đề như sau: “Lần đầu tiên, một tờ báo ở Hà Nội đăng tư liệu nhiều kỳ về ông Nguyễn Hữu Đang, được xem là trụ cột của phong trào Nhân văn Giai phẩm.

Di ảnh ông Nguyễn Hữu Đang (Nguồn: BBC)
Hôm 5/8, báo điện tử Dân Sinh thuộc Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội gây bất ngờ khi khởi đăng loạt bài 30 kỳ với chủ đề ‘Nguyễn Hữu Đang – Bi thương và cay đắng”. 
Bài viết cũng đã phỏng vấn ông Nguyễn Thành Phong, Tổng biên tập báo Dân Sinh để lí giải một sự kiện có phần bất thường này.  Vị Tổng biên tập này đã giải thích sự ra đời của loạt bài 30 kỳ như sau: “Chúng tôi tin rằng Nguyễn Hữu Đang là nhân vật mà mọi người muốn tìm hiểu, nghe nhiều về ông. Chúng tôi quyết định đăng tư liệu về ông Đang nhân dịp Cách mạng tháng 8 vì cuộc đời của ông có nhiều nỗi niềm trong giai đoạn này”. Ông Phong cũng tự tin cho rằng “Tôi tin là sẽ không có ai ngăn cấm đăng bài về ông Đang. Báo chí ở Việt Nam không có kiểm duyệt. Chúng tôi có quyền lựa chọn nhân vật và câu chuyện để đăng. Và chúng tôi chịu trách nhiệm về những gì mình đăng tải” khi phóng viên BBC đặt câu hỏi về sự can thiệp của Bộ Bộ Thông tin – Truyền thông đối với loạt bài của Báo Dân sinh. 

Xung quanh chuyện này người viết xin được có đôi điều:
Thứ nhất, ai cũng hiểu rằng ông Nguyễn Hữu Đang là cột trụ của phong trào “Nhân văn Giai phẩm” nhưng xin thưa rằng phong trào này tồn tại trong giai đoạn từ 1955 – 1958; nhưng loạt bài của báo Dân sinh không phản ánh những câu chuyện trong giai đoạn này, loạt bài tập trung nhiều hơn những khía cạnh đời thường, nhất là giai đoạn sau năm 1975. Vậy nên, đừng nghĩ rằng Nguyễn Hữu Đang chỉ có tội mà không có công. Có thể với những tội lỗi đã qua ông Đang là người đáng trách và đáng bị lên án nhưng với những cái công mà nói đúng hơn là những tư tưởng tốt đẹp của ông thì đương nhiên nó cũng đáng được biểu dương, đáng được nói đến! Đó cũng có thể xem là một nguyên nhân để loạt bài của báo Dân Sinh về ông Đang ra đời mà không vấp phải bất cứ sự phản đối của công luận và giới làm công tác quản lý báo chí… 

Nhà văn Võ Bá Cường, tác giả viết về ông Nguyễn Hữu Đang (Nguồn: BBC)

Tác giả bài viết cũng không quên nhắc đến vụ án “Nhân văn Giai phẩm” và cái giá mà ông Nguyễn Hữu Đang cùng rất nhiều người khác đã phải lãnh nhận cho những điều mình đã làm. Tuy nhiên, cần phải rạch ròi rằng Nguyễn Hữu Đang của giai đoạn 1955 – 1958 hoàn toàn khác với Nguyễn Hữu Đang của giai đoạn sau này, nhất là sau khi kết thúc 15 năm án phạt trong tù.

Điều này đã được báo Dân Sinh nói đến khi dẫn bức thư của ông Đang gửi một nhà văn chống Cộng cực đoan Dương Thu Hương đề ngày 1/6/1990. Trong bức thư ông Đang viết: “Viết đến đây, tôi không nghĩ về tôi; tự thương mình đã rơi vào cái hố duy ý chí từ tuổi mười lăm, rồi cứ thế càng ngày càng cuồng tín, hợm mình, tham thắng, khi biết đến cái bí quyết sống “tri túc” lấy làm đủ của đạo học thì đã muộn”. 

Xin thưa rằng, đó là những dòng tâm sự thể hiện sự hối hận của một Nhà văn khi biết sự dấn thân sai lầm của chính mình. Có thể xem đó là sự quay về nẻo thiện của một nhà văn sau những trầm luân của cuộc đời. Và dù có hơi muộn mằn và có thể ông Đang cũng không còn cơ hội để làm lại từ đầu nhưng đó là điều mà hậu thế, lớp nhà văn hiện nay nên trân trọng từ ông Đang. Đó là một nhân cách dám làm, dám chịu, ông cũng dám nói lên nỗi niềm của mình một cách không dấu diếm và không có chuyện tát nước theo mưa đầy hợm hĩnh của không ít văn sỹ trong đó có Dương Thu Hương.

Cho nên, những dòng ông Đang gửi Dương Thu Hương một mặt nói lên nỗi niềm của mình nhưng đó cũng là cách vị nhà văn tài năng này khuyên răn Dương thu Hương chăng? và nếu nghe lời ông Đang thì biết đâu giờ này Dương Thu Hương đã làm cho tên tuổi mình vang khắp Việt Nam, chứ đâu đến nỗi “thân gái dặm trường” nơi đất khách quê người…. 

Thứ hai, có vẻ như BBC đã không theo sát những sự chuyển biến khá sâu sắc tại Việt Nam. Báo chí và thậm chí cả nền văn học Việt Nam từ lâu đã không ngại ngần khai thác các cá nhân, con người cụ thể dù họ đã từng bị liệt vào đối tượng chống đối. Báo chí và văn giới viết lên không chỉ đến người ta thấy rõ hơn chuyện tội của cá nhân đó, đó còn là cơ hội để nhìn nhận lại rõ hơn công lao của họ bởi sợ rằng nếu để lâu hơn nữa thì thời gian sẽ lãng quên chính họ.

Và trước khi có loạt bài 30 kỳ của Báo Dân sinh về Nhà văn Nguyễn Hữu Đang (được trích từ cuốn sách ‘Người đeo lục lạc’ chưa ấn hành của nhà văn Võ Bá Cường) thì trước đó Nhà văn Võ Bá Cường đã ra một cuốn sách có tên “Chuyện tướng Độ”. Cuốn sách này đã được Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân phát hành năm 2007 và chúng ta hoàn toàn có thể tìm đọc cuốn này trong các thư viện lớn. 

Rõ ràng, như ở trên đã khẳng định sự chuyển biến trong những đề tài tưởng như thuộc “vùng cấm”, bất khả xâm phạm không phải đến lượt báo Dân sinh mới có. Sự công minh, khách quan của hậu thế cùng với sự cần thiết trong luận bàn chuyện công – tội của các nhân vật lịch sử đã mở đường và biến nó trở thành một chủ đề. Chỉ tiếc rằng, đến nay chỉ mới có đôi ba tờ báo chịu dấn thân trên lĩnh vực này khiến BBC có sự hiểu nhầm này.

————-