Mạng xã hội của riêng Việt Nam?

Tác giả: theo FB Lê Nguyễn Duy Hậu 

Người dùng Việt Nam chọn Facebook, Google, và Youtube (so với các nền tảng khác) không chỉ bởi nó tiện hơn, đẹp hơn, sang hơn, kết nối hơn, mà còn vì đó là công cụ để vượt qua vòng kiểm duyệt của Nhà nước. Nếu một MXH hay một công cụ tìm kiếm mới không đáp ứng được nhu cầu tự do thông tin đó, thì cũng không có ai muốn sử dụng. Đồng ý rằng khi tiến ra “xa lộ thông tin”, những người dùng Việt Nam đã trở nên bối rối và các “tai nạn thông tin” (fake news – cả từ phía chính quyền lẫn xã hội) diễn ra khá nhiều. Nhưng vấn đề không nằm ở đầu nguồn thông tin, mà là nằm ở những cái đầu tiếp nhận thông tin. Cho dù có đạt dân số vàng 96 triệu dân thì cũng không đủ lớn để đóng cửa chơi với nhau được, mà thay vào đó phải tập cho người dân biết lưu thông an toàn trên chính xa lộ thông tin đó, bằng các kĩ năng phản biện thông tin, nghi ngờ phát ngôn, chỉ trích quan điểm. Đây là giải pháp chậm hơn, nhưng bền vững hơn, và không chỉ dùng cho mỗi một lĩnh vực (LNDH). 

KD: Một quan niệm văn minh, và thực tế với tình trạng mạng XH hiện nay. Vấn đề là đầu óc người dùng đủ tinh để phân biệt thật giả. Nhưng quan trọng hơn nữa, c/q cũng cần “nâng cấp” về chất lượng- từ nhận thức, đến mô hình quản trị QG, chính sách quản lý, và chất lượng nhân sự quản lý. 

Giữa hai phía- đó là Niềm tin! Niềm tin mới chính là vật bảo hiểm quan trọng nhất, phá vỡ mọi rào cản, hàn gắn sự tổn thương sâu sắc … xấu mà lâu nay vì rất nhiều lý do, người dân luôn phải mang theo!

——–  

Ảnh RFA.ORG

Tạo ra một mạng xã hội hay công cụ tìm kiếm “mang bản sắc Việt Nam” không quá khó về mặt kĩ thuật, dù rằng đạt đến trình độ của Google và Facebook thì Việt Nam chưa thể. Nhưng sự tồn tại của MXH hay công cụ tìm kiếm sẽ vô nghĩa nếu thiếu người dùng. Mà để người dùng chuyển từ công cụ này sang công cụ khác thì kĩ thuật thôi là chưa đủ, mà còn là giải pháp mang tính quản trị xã hội (social engineering).

Trung Quốc là một quốc gia cực kỳ thành công trong việc sử dụng social engineering để độc quyền hoá MXH và công cụ tìm kiếm, và nó dễ khiến những chính quyền lân bang – đồng văn đồng chủng đồng chí – mong muốn làm theo. Nhưng Việt Nam thì hoàn toàn khác Trung Quốc, và cho dù có áp dụng các cách làm của Trung Quốc (cấm MXH nước ngoài, đài thọ cho doanh nghiệp trong nước) thì Việt Nam cũng đã quá trễ. Trung Quốc thành công vì người dân nước này chưa bao giờ một lần biết đến Facebook, Youtube, hay Google. Việt Nam thì khác hẳn, và đó cũng là rào cản lớn nhất phải vượt qua. Quan điểm, kí ức, và trải nghiệm là thứ dữ liệu không thể xoá bỏ được.

Người dùng Việt Nam chọn Facebook, Google, và Youtube (so với các nền tảng khác) không chỉ bởi nó tiện hơn, đẹp hơn, sang hơn, kết nối hơn (bản thân các lý do trên là quá đủ), mà còn vì đó là công cụ để vượt qua vòng kiểm duyệt của Nhà nước. Nếu một MXH hay một công cụ tìm kiếm mới không đáp ứng được nhu cầu tự do thông tin đó, thì cũng không có ai muốn sử dụng. Đồng ý rằng khi tiến ra “xa lộ thông tin”, những người dùng Việt Nam đã trở nên bối rối và các “tai nạn thông tin” (fake news – cả từ phía chính quyền lẫn xã hội) diễn ra khá nhiều. Nhưng vấn đề không nằm ở đầu nguồn thông tin, mà là nằm ở những cái đầu tiếp nhận thông tin. Cho dù có đạt dân số vàng 96 triệu dân thì cũng không đủ lớn để đóng cửa chơi với nhau được, mà thay vào đó phải tập cho người dân biết lưu thông an toàn trên chính xa lộ thông tin đó, bằng các kĩ năng phản biện thông tin, nghi ngờ phát ngôn, chỉ trích quan điểm. Đây là giải pháp chậm hơn, nhưng bền vững hơn, và không chỉ dùng cho mỗi một lĩnh vực. Tất nhiên, cái tiến thoái lưỡng nan đó là giải pháp này sẽ lại tạo ra một môi trường không thân thiện và khó quản lý dành cho nhà cầm quyền và những cái đầu coi thường quần chúng và đề cao giới tinh hoa tự phong thì không thể nuốt trôi được.

Tất nhiên, người ta vẫn có thể che đậy mục đích theo dõi quần chúng bằng các chiêu bài về chủ quyền dữ liệu và an ninh trên mạng, và bản thân các cái cớ đó thật ra lại là thoả đáng. Nhưng cũng như một vị tướng nhà Hồ ngày xưa đã nói, chỉ sợ lòng dân không theo – mà vốn dĩ đó lại là thứ không máy móc, kĩ thuật nào hiện nay có thể thay đổi được.