Vụ PMU 18, ai muốn xé bỏ pháp quyền? (1)

Tác giả: theo FB nhà báo Hoàng Hải Vân

.Công cuộc Đổi Mới mà các vị lãnh đạo tiền nhiệm của đất nước đã phải mướt mồ hôi sôi nước mắt để khởi xướng, duy trì và thúc đẩy nhằm đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu không phải là sự nghiệp riêng của Đảng Cộng sản mà là sự nghiệp của toàn dân. Cơ chế thị trường chỉ có thể vận hành trong khuôn khổ luật pháp của một nhà nước pháp quyền. Nhưng cơ chế thị trường nửa vời thì thúc đẩy tham nhũng, nhà nước pháp quyền nửa vời thì dung túng cho lợi ích nhóm và sự lộng hành của tội phạm (Hoàng Hải Vân)

———————– 

Nếu ai để ý sẽ thấy trong số báo ra ngày 13-5-2008, kèm theo bản tin 2 nhà báo bị bắt, báo Thanh Niên có đặt câu hỏi ngay trên trang nhất : Có hơn 1000 bài báo viết về vụ PMU18 đăng trên gần 100 tờ báo, sao lại bắt 2 nhà báo của Thanh Niên và Tuổi Trẻ ? Câu hỏi đó chẳng bao giờ được ai trả lời.

Sau khi Thanh Niên đăng loạt bài “Hãy trả tự do…” cùng với phản ứng trên báo Tuổi Trẻ trong đó có bài “Vì sao ?” của anh Bùi Thanh, hậu quả là 4 nhà báo bị thu thẻ và thôi chức là anh Nguyễn Quốc Phong và tôi ở báo Thanh Niên, anh Bùi Thanh và anh Đà Trang ở báo Tuổi Trẻ. Quyết định thu thẻ nhà báo ký ngày 1-8-2008, đến ngày 22-8, Bộ TT&TT ra thông báo giải thích lý do, nói rằng đây là những người “đã trực tiếp viết, biên tập, duyệt đăng các tin bài về vụ PMU 18, trong đó có những thông tin sai sự thật nghiêm trọng. Đặc biệt là những thông tin kích động phản đối hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong loạt tin bài sau khi 2 nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải bị cơ quan an ninh điều tra khởi tố, bắt giam”.

“Những thông tin sai sự thật nghiêm trọng” đó là những thông tin gì ? Chẳng có bất cứ văn bản nào kết luận, trước đó cũng không hề có ai chỉ ra, không ai yêu cầu giải thích hay đổi chất. Tôi biết chắc Bộ TT&TT cũng không hề có một chứng cứ nào để đưa ra lời giải thích đó. Do đó chỉ có thể hiểu rằng Bộ này được lệnh miệng từ cấp trên phải thu thẻ của 4 nhà báo và bị buộc phải lấy nội dung áp đặt từ cơ quan an ninh điều tra để ra bản thông báo nói trên.

Trước khi nói tiếp quá trình xử lý 4 nhà báo và 2 Tổng Biên tập, xin trở lại việc bắt 2 nhà báo, 1 thượng tá và khởi tố 1 vị tướng cảnh sát mà không hề có chứng cứ phạm tội. Bắt giam, khởi tố người mà không có chứng cứ phạm tội, lại liên quan đến một vụ án đang xôn xao cả nước thì dù có mười cơ quan an ninh điều tra cũng không dám, Bộ trưởng Công an tôi chắc cũng không dám, nên phải có cấp cao hơn chỉ đạo. Cấp cao hơn đó là ai ? Đó là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Tôi khẳng định điều này vì ngay sau khi 2 nhà báo bị bắt, anh Nguyễn Công Khế đã giao nhiệm vụ cho anh Nguyễn Quốc Phong mang một tập tài liệu chứng minh 2 nhà báo vô tội gửi cho một vị lãnh đạo Bộ Công an. Vị này nói với anh Quốc Phong rằng “tổng chỉ huy” vụ này là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đề nghị anh Phong gặp Thủ tướng. Anh Quốc Phong đã mang tập tài liệu này đến gặp Thủ tướng Dũng, ông tiếp anh Phong khoảng 10 phút, bảo ông sẽ xem tài liệu. Anh cũng đã gặp và giao tập tài liệu cho một vị Ủy viên Bộ Chính trị khác, vị này hứa sẽ tìm cách giao cho những người có thẩm quyền, nhưng dặn anh Quốc Phong không giao tài liệu đó cho ai nữa.

Nhưng trước đó, ngay sau khi 2 nhà báo bị bắt, để bảo vệ phóng viên của mình trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng, anh Nguyễn Quốc Phong vẫn tìm cách gửi tập tài liệu nói trên đến cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt, lúc đó đang ở Hà Nội. Đọc tập tài liệu xong, ông Sáu Dân bảo việc bắt người là không thể chấp nhận được. Một nguồn tin thân cận cho chúng tôi hay, ông Sáu Dân đã cho người mời một Ủy viên Bộ Chính trị đến, ông giận dữ vứt tập tài liệu trên bàn và kịch liệt phản đối việc bắt người. Anh Nguyễn Công Khế cũng đã gặp ông Sáu Dân, ông bảo với anh Khế rằng báo Thanh Niên không thể im lặng trong vụ bắt người này. Sau đó ông có tỏ thái độ với ai nữa hay không thì chúng tôi không được biết, vì lúc này ông Sáu Dân không còn khỏe nữa, ông đã qua đời đúng 1 tháng sau khi các nhà báo bị bắt và trước khi người ta đập tan bộ máy lãnh đạo của 2 tờ báo.

Tôi kể lại chuyện này để chứng minh rằng chúng tôi hoàn toàn có đủ căn cứ để công khai trên mặt báo yêu cầu “Phải trả tự cho cho các nhà báo chân chính”. Nhưng cũng chính vì sự phản ứng đó cùng với việc tìm cách cung cấp tài liệu về sự thật đến những người có trách nhiệm đã làm tăng thêm mối nguy hiểm cho chúng tôi. 4 nhà báo bị thu thẻ và 2 vị Tổng biên tập là anh Nguyễn Công Khế và anh Lê Hoàng đã bị cơ quan an ninh điều tra hành hạ cho lên bờ xuống ruộng, riêng anh Nguyễn Quốc Phong còn bị hành hạ nặng hơn do tìm cách lưu hành tập tài liệu này.

Vấn đề là các Ủy viên Bộ Chính trị khác đương nhiên là biết việc bắt người nhưng vì họ không biết có việc chỉ đạo sai pháp luật nên không ai phản đối việc bắt người. Vì sao như vậy ? Có 2 lý do. Thứ nhất, do không biết có chỉ đạo bắt người nên họ nghĩ đây là nghiệp vụ bình thường của cơ quan công an làm theo pháp luật, họ không can thiệp. Thứ hai, họ được cơ quan an ninh cung cấp các chứng cứ ngụy tạo. Có phải tất cả họ đều được cung cấp chứng cứ ngụy tạo hay không thì tôi không thể biết, nhưng anh Nguyễn Công Khế nói lại với tôi là có một Ủy viên Bộ Chính trị khuyên anh không nên bảo vệ anh Chiến vì bên an ninh có chứng cứ anh Chiến “nhận tiền của phản động nước ngoài”. Tất nhiên anh Khế và chúng tôi hoàn toàn không tin điều đó, nên Thanh Niên vẫn tìm mọi cách bảo vệ anh Chiến tới cùng. Và sự thật diễn ra tại phiên tòa đã chứng minh việc “nhận tiền của phản động nước ngoài” là hoàn toàn bịa đặt.

Theo dõi bài viết của tôi có thể có các đồng bào làm an ninh, làm “dư luận viên” và “hoạt động dân chủ”, nên trước khi kể tiếp câu chuyện PMU18 tôi xin lưu ý chung với các đồng bào này rằng : Công cuộc Đổi Mới mà các vị lãnh đạo tiền nhiệm của đất nước đã phải mướt mồ hôi sôi nước mắt để khởi xướng, duy trì và thúc đẩy nhằm đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu không phải là sự nghiệp riêng của Đảng Cộng sản mà là sự nghiệp của toàn dân. Cơ chế thị trường chỉ có thể vận hành trong khuôn khổ luật pháp của một nhà nước pháp quyền. Nhưng cơ chế thị trường nửa vời thì thúc đẩy tham nhũng, nhà nước pháp quyền nửa vời thì dung túng cho lợi ích nhóm và sự lộng hành của tội phạm.

Trên lĩnh vực truyền thông, mấy chục năm nay Báo Thanh Niên và Báo Tuổi Trẻ là hai tờ báo nổi bật trong những cơ quan truyền thông đi đầu hậu thuẫn cho công cuộc Đổi Mới và bảo vệ nhà nước pháp quyền. Chính vì vậy mà từ cựu Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho đến Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Thủ tướng Võ Văn Kiệt đều yêu mến, trọng thị Thanh Niên và Tuổi Trẻ. Và cũng chính vì vậy mà Thanh Niên và Tuổi Trẻ trở thành kẻ thù của các thế lực muốn xé bỏ pháp quyền trong Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là sự trả lời cho câu hỏi đặt ra ở đầu bài viết này.

(Còn tiếp – Kỳ tới : Vụ PMU18, đập tan 2 tờ báo hậu thuẫn công cuộc đổi mới)

HOÀNG HẢI VÂN

Hình này lấy trên fb anh Quoc Phong