Tuyển con ông cháu cha là phạm luật?

Tác giả: BBC Tiếng Việt
 .
KD: Đây không còn là luật, mà đây là Lệ. Hầu như cơ quan nào cũng có sự ưu tiên cho con em cán bộ, công chức cơ quan mình. Và vì thế, bi kịch là ở chỗ, có những cơ quan đòi hỏi cán bọ từ diện mạo đến trí tuệ, vì công việc giao tiếp XH nhiều, thì đã có những cán bộ, những công chức “không bình thường”, mà nếu cha mẹ họ không phải là sếp ở đó thì đừng mong một chân nhân viên bình thường nữa là cán bộ hẳn hoi.
————-
 TuoiTre

Vụ một ngân hàng tại Việt Nam công khai tăng điểm cho ‘con cán bộ đang làm việc tại các chi nhánh, đơn vị trực thuộc’ khi thi tuyển tìm việc đang gây tranh cãi liệu đó có phải là vi phạm.

Báo chí Việt Nam cho hay Agribank, ngân hàng có vốn nhà nước, đã ‘vi phạm’ khi công khai tuyển con ông cháu cha.

Một đại biểu Quốc hội Việt Nam, ông Nguyễn Sỹ Cương, gọi cách tuyển người này của Agribank “là sự tuyển dụng khép kín, làm giảm cơ hội của các ứng viên bên ngoài khi thi vào ngân hàng này”.

Tuy nhiên, báo chí Việt Nam chưa nói điều này, nếu đúng như thế, có vi phạm Hiến pháp và các luật cấm phân biệt đối xử khi tuyển chọn lao động hay không.

Trang của ngân hàng Agribank, ở thông báo tuyển dụng đăng trên mạng, mục V về ‘Đối tượng ưu tiên’ ghi rõ:

“Đối tượng ưu tiên là con cán bộ hiện đang công tác tại các chi nhánh, văn phòng đại diện, các đơn vị thuộc Trụ sở chính của Agribank chưa có người con nào làm việc tại Agribank (con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi hợp pháp) được cộng 30 điểm trên thang điểm 100.”

Ngoài ra, trang này cũng ghi “trường hợp có từ 02 người con trở lên tham dự kỳ thi cũng chỉ cộng điểm ưu tiên cho 01 người”.

Nói về vụ việc trên, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, đó là sự tuyển dụng khép kín, làm giảm cơ hội của các ứng viên bên ngoài khi thi vào ngân hàng này.

Chống phân biệt đối xử

Một bài trên Nhân Dân điện tử hôm 22/10/2015 có giới thiệu các hướng dẫn của bộ quy tắc chống phân biệt đối xử với người thi tuyển tìm việc do Phòng Thương mại Việt Nam (VCCI) phổ biến hôm 20/10.

Theo bài báo:

“Các quy tắc này này hoàn toàn tuân thủ Hiến pháp năm 2013 và pháp luật Việt Nam.

Hoang Dinh Nam AFP GETTY 
Agribank ‘đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn’

Bộ quy tắc cũng tham chiếu Công ước về chống phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp (Công ước số 111) và Công ước về trả công bình đẳng (Công ước số 100) của ILO mà Việt Nam đã phê chuẩn vào năm 1997.

Phạm vi áp dụng của bộ quy tắc gồm có tuyển dụng và thuê mướn; tiền thù lao, tiền công; xác định và phân công công việc; tiếp cận với đào tạo nghề, thăng tiến và đề bạt…”

Được biết bộ quy tác cũng có bốn tài liệu hướng dẫn thực hành, tập trung vào các nội dung như thúc đẩy bình đẳng tại nơi làm việc, trong thực hành tuyển dụng, trong sử dụng lao động và hoạt động kinh doanh.

Bài trên Nhân Dân cũng trích lời ông Phùng Quang Huy, Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động của VCCI, cho biết, từ năm 1997, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước về chống phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp.

Cũng theo nguồn tin này, quy định về quyền bình đẳng của mọi công dân Việt Nam được ghi trong Hiến pháp và cấm phân biệt đối xử trong Bộ luật Lao động năm 2012.

Được thành lập năm 1988, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) là ngân hàng có vốn nhà nước.

Trang web của họ viết đây là “ngân hàng thương mại hàng đầu giữ vai trò chủ đạo và chủ lực trong phát triển kinh tế Việt Nam, đặc biệt là đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.

Các trang tin tại Việt Nam cũng giới thiệu Agribank “hiện có mạng lưới rộng khắp trên toàn quốc với 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch được kết nối trực tuyến”.

———-

Nguồn: BBC Tiếng Việt