32 người nộp lại quà tặng: Tham nhũng đang biến hình?

Tác giả: Phương Nguyên

.Cùng với đó là con số chứng minh sự bao che, dung túng khi nói tình hình tham nhũng ngày càng tinh vi nhưng cả năm chỉ có 32 trường hợp nộp lại quà tặng, trong khi đó trong khi năm 2013 là 364.

Tình hình tham nhũng là “phức tạp” và “tham nhũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính công, ngân hàng”….

Nhận định khá thẳng thắn của Ủy ban Tư pháp Quốc hội khi thẩm tra báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng 2014 của Chính phủ được xem như nói đúng bản chất vấn đề.

Cùng với đó là con số chứng minh sự bao che, dung túng khi nói tình hình tham nhũng ngày càng tinh vi nhưng cả năm chỉ có 32 trường hợp nộp lại quà tặng, trong khi đó trong khi năm 2013 là 364.

Liên kết lợi ích nhóm

Báo cáo trước Quốc hội kỳ 8, Chính phủ một lần nữa thừa nhận: tình hình tham nhũng là “phức tạp” và “tham nhũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích.

Tội phạm về kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, chứng khoán tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thất thoát lớn cho tài sản của Nhà nước”.

Cơ bản đồng tình với nhận định này, song theo cơ quan thẩm tra, thì tham nhũng trong lĩnh vực tài chính công, ngân hàng, tín dụng là đặc biệt nghiêm trọng.

Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như gây thất thoát khoảng 4.000 tỷ đồng được nêu là một trong những ví dụ của tình trạng tham nhũng, sở hữu chéo trong ngân hàng.

Theo đó, từ năm 2007, Huỳnh Thị Huyền Như vay tiền để kinh doanh bất động sản, số nợ lên đến 200 tỷ đồng. Do kinh doanh không hiệu quả, Như đã vay tiền nóng, lãi suất cao để bù đắp khoản lỗ nhưng mất khả năng chi trả nên nảy sinh lừa đảo. Huyền Như đã làm giả 8 con dấu của các ngân hàng, công ty, tổ chức… và làm giả hồ sơ, giả chữ ký của nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi lừa đảo.

Huyền Như còn đưa ra mức lãi suất hấp dẫn ngoài hợp đồng để lừa Ngân hàng TMCP Á Châu – ACB, Ngân hàng Nam Việt – Navibank và lừa dối lãnh đạo Vietinbank.

Cùng với sự giúp đỡ của một số cán bộ Vietinbank, sự tắc trách trong quản lý, sự cả nể của cán bộ Vietinbank tại các phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Võ Văn Tần, Đinh Tiên Hoàng để chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng của các ngân hàng Á Châu, Navibank, SBBS, Công ty bảo hiểm Toàn Cầu…

Tiếp đến là vụ án Vũ Quốc Hảo gây thất thoát 4.689 tỷ đồng, vụ án Vũ Việt Hùng gây thất thoát trên 1.000 tỷ đồng. Vụ án Dương Chí Dũng gây thiệt hại 370 tỷ đồng cho riêng ụ nổi 83

Tình trạng sở hữu chéo trong ngành ngân hàng từng được chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành phân tích. Theo ông, điều gây nguy hiểm nhất cho hệ thống tài chính Việt Nam hiện nay là sở hữu chéo nhóm lợi ích – nhiều ngân hàng.

Ví dụ, một người có 1000 tỷ đồng mua cổ phần của ngân hàng A, lấy cổ phần đó đến ngân hàng B để thế chấp vay, được thêm 1000 tỷ đồng nữa.

Người đó sẽ quay lại ngân hàng A để mua thêm cổ phần để được vay nhiều hơn, hoặc mua cổ phần của ngân hàng C, lấy cổ phần của ngân hàng C để thế chấp vay ngân hàng D, được 1000 tỷ đồng mua cổ phần của ngân hàng E… Cứ như vậy, chỉ 1000 tỷ đồng chạy thành ra 5000-7000 tỷ đồng bằng cách sở hữu chéo tại nhiều ngân hàng.

Vậy tại sao người ta lại làm như vậy? Bởi những người vay mua cổ phiếu, thành cổ đông lớn của ngân hàng thì sẽ khống chế, chi phối được ngân hàng đó để vay cho mục đích đầu tư cá nhân của mình.

Kết quả thanh tra của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, có những ngân hàng nhỏ, tổng số tín dụng huy động 40.000 – 50.000 tỷ đồng, cho cổ đông vay đến 50-60% số đó, nghĩa là ngân hàng thương mại trở thành công cụ huy động vốn trong dân để tài trợ cho hoạt động sân sau của cổ đông. Như vậy cả hệ thống ngân hàng bị lún vào vấn đề sở hữu chéo của một số người.

“Các nước khác có gặp phải vấn đề như Việt Nam hay không? Câu trả lời là: Không, bởi không ở đâu có chuyện một anh nắm quyền cổ đông lớn của ngân hàng thì sẽ tự cho mình hoặc người quen của mình vay “vô tội vạ” như thế”, ông Bùi Kiến Thành nhận định.

Có lẽ thực tế này tồn tại được đã nói lên phần nào về tình trạng bao che, dung túng  khiến cho tình hình tham nhũng phức tạp là kỷ cương quản lý nhà nước trên một số ngành, lĩnh vực còn buông lỏng.

Ủy ban Tư pháp cũng chỉ rõ bệnh quan liêu, thành tích vẫn nặng nề, vẫn còn tình trạng bao che, dung túng cho hành vi tham nhũng của cán bộ do mình quản lý.

Trong khi đó, công tác trinh sát điều tra, nghiệp vụ cơ bản và phòng ngừa nghiệp vụ ở một số cơ quan điều tra chưa được tăng cường đúng mức.

 Theo đó Uỷ ban Tư pháp cho rằng, thực trạng phát hiện và xử lý một số vụ tham nhũng, thu hồi tài sản trong các vụ tham nhũng vẫn chưa thực sự tạo được niềm tin vững chắc của nhân dân vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Ngạc nhiên con số 32 người nộp quà tặng

Trái với nhận địhh mà Chính phủ đưa ra đó là: Tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp” thì con số 32 người nộp lại quà tặng của năm 2014 lại minh chứng ngược lại. Con số này năm 2013 là 364.

Riêng Bộ Tài chính có 12 người nộp lại quà tặng với tổng số tiền 118 triệu đồng, là bộ duy nhất có tên trong danh sách này.

Như vậy đây là bộ có tên duy nhất trong việc nộp lại quà tặng. Nghĩa là các bộ khác, cơ quan khác không có người tặng quà, nhận quà.

Theo đó Tổng Thanh tra Chính phủ nhìn nhận việc thực hiện quy chế tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng vẫn còn hình thức.

Chẳng phải khi không mà cứ mỗi dịp Tết Ban Bí thư lại có ‘nhắc nhở’ về việc nhận, nộp quà tặng.

Nói như đại biểu Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thì trước đây có lãnh đạo sau tết đã nộp lại cho nhà nước hàng tỷ đồng (cả tiền và quà tặng).

Như vậy nhìn lại con số của cả một năm chỉ có 32 người nộp lại quà tặng thì quả là quá ít ỏi.

——————

http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/32-nguoi-nop-lai-qua-tang-tham-nhung-dang-bien-hinh-3106580/