Hát như chưa bao giờ được hát ở đời !

Tác giả:  Đào Dục Tú

.
KD: Để biên tập bài này, mình đã mở clip “những làn điệu chèo hay nhất’ để vừa được nghe, và như sống lại những hồi ức của một thời quá khứ, vừa thẩm thấu, chia sẻ với tác giả. Bởi thời trẻ, mình cũng mê chèo, mê quan họ như điếu đổ. Cứ làn điệu chèo hay quan họ cất lên, là mình bỏ dở việc, đứng lặng người nghe hết cả làn điệu đã   😀

Những làn điệu chèo buồn bã, trong sáng, bi thương tưởng như nước mắt nhân gian chảy suốt bao kiếp người, bao phận người, chảy suốt bao mối tình ngang trái, và vỡ ra để cho sân khấu chèo cứ thổn thức hằng đêm.

Chợt nhớ đến Tào Mạt với bộ ba “Bài ca giữ nước” mà người đời gọi là “Bài ca giữ chèo” của ông. Khi ông mất, mình đã rất xót xa. Và chợt nghĩ, dường như ở con người mảnh khảnh đó, những sợi gân, mạch máu của ông được cấu tạo bởi những làn điệu chèo.

Và cũng dường như, trong huyết mạch “người Hà Nội” của mình, cũng vẫn đâu đó, có những làn điệu chèo sóng sánh của vùng đồng bằng- Nam Định quê cha đất tổ…

Cảm ơn anh Đào Dục Tú.

——–
Có một nghệ sĩ trẻ kể rằng khi nghe nghệ nhân chèo hát mộc, hát không nhạc đệm, tôi có cảm tưởng như người ta sống một đời chỉ để hát câu hát đó thôi; nghe mà “mình muốn khóc”. Thật điễm phúc cho những ai một lần được nghe hát như thế để thấy người Việt mình “gan ruột” với làn điệu chèo nói riêng, với sân khấu kịch hát truyền thống nói chung thế nào, nhất là đối với không ít nghệ nhân xưa nay “sống vì nghề chết vì nghiệp” tổ.

NSUT Diễm Lộc trong vai chèo Xúy Vân nổi tiếng. Ảnh: lifetv.vn

Tự nhiên nhớ lại một, hai năm gì đó sau ngày thống nhất đất nước, trước thời kỳ chèo cải biên rầm rộ với những vở kiểu như “Nàng Si Ta”, tôi còn may mắn được vào rạp Hồng Hà xem những vở chèo cổ “chuẩn không phải chỉnh” của các cụ, đặc biệt vở Kim Nham có vai Xúy Vân “lấy nhiều nước mắt khán giả chèo” bậc nhất do nghệ sĩ nổi tiếng Diễm Lộc của Đoàn chèo Trung ương thời bấy giờ thể hiện.

Ngay từ thời đó đã thấy dấu hiệu chèo nói riêng, sân khấu kịch hát truyền thống nói chung- như tuồng, cải lương bắt đầu . . . thưa khách. Bằng chứng tuy không điển hình gì, chỉ là kỷ niệm cá nhân nhưng đáng kể. Tôi có anh bạn đồng nghiệp vợ là diễn viên đoàn chèo, biết tôi “ham chèo” đã “xoay” cho hai cái giấy mời. Cơm tập thể buổi chiều ở nhà ăn Bắc Nam phố Phan Bội Châu, tôi tha thiết mời anh em, cả “ba thằng cùng phòng” đều cười cười đánh trống lảng.

Tiếc. . .giấy mời “của giời ơi” thì ít, ham xem chèo cổ thì nhiều, tôi lục lọi trí nhớ xem có “thằng nào” dở hơi ham chèo như mình nữa không; chợt nhớ ra có bác Trần Đình Lương người xứ Thanh, Ban văn nghệ. Thế là có bạn đồng hành xem chèo rồi. Hình như thời đó, các giàn A-kai cùng đủ loại đài đóm băng đĩa nghe (chưa có vô tuyến truyền hình), cùng đủ thứ nhạc xanh vàng tím đỏ lạ mắt đất Sài Gòn hoa lệ theo chân người “Nam tiến thời bình” khuân ra mà sau này có . . . cô bác “trỏng lỏn” mỉa mai “miền Nam nhận họ miền Bắc các chú nhận . . .hàng” đang hấp dẫn không ít người muốn “mục sở thị” văn hóa bị . ..thực dân mới “nhuộm đen” nó thế nào!

Vào rạp Hồng Hà sau khi đứng chuyện trò với chị Diễm Lộc vài câu, hai anh em tôi nhìn quanh chỉ thấy hầu hết là các bà các cụ, các cô trông ăn mặc, diện mạo cũng biết chắc là bà con mình bình dân lao động ở các chợ hoặc bà con ở quê ra Hà Nội chơi, được con cháu, họ hàng “mua vé chiêu đãi” mời đi giải trí xem chèo Xúy Vân diễn ở thủ đô. . .

Bao nhiêu năm rồi mà sao tôi vẫn không quên hình ảnh nghệ sĩ Diễm Lộc làm chủ sân khấu, làm nghiêng lệch cả tâm cảm người xem bởi diễn xuất quá tuyệt vời màn Xúy Vân giả dại. Chao ôi một người con gái đẹp người đẹp nết như thế mà oái oăm thay sinh ra trong một gia đình ông bố thì vô trách nhiệm, anh cả thì khoèo, sứt ,thọt cả về hình hài lẫn tâm thế dở hơi dở hồn!

Lại càng trớ trêu hơn, ông tơ bà nguyệt khéo xe duyên nàng với chàng Kim Nham con nhà nề nếp “mạch thư hương”, vì quá “mải mê đường kinh sử bút nghiên “nên chẳng đoái hoài gì đến người vợ trẻ khát khao hạnh phúc lứa đôi, tháng ngày “mòn mỏi tuổi xuân” bên chồng sách chữ Nho của chồng ngày đêm “sôi kinh nấu sử”.

Cái đích của chàng Kim Nham là khát khao bảng vàng bia đá còn khát vọng của nàng chỉ là hạnh phúc vợ chồng bình dị: Mơ lúa chín vàng “để cho anh đi gặt để cho nàng mang cơm”. Nào người vợ trẻ ấy đâu có phải là người không biết đạo phu thê “Gió giăng thì mặc gió giăng- Ai ơi giữ lấy đạo hằng khó quên”. Hiển nhiên đạo “hằng ” là tứ đức tam tòng, không thay đổi trong suốt trường kỳ lịch sử phong kiến hàng nghìn năm.

Tình cảnh hạnh phúc lứa đôi tưởng có mà như không, “có chồng hờ hững cũng như không” nên “cái ức nhân duyên” đã đẩy nàng vào vòng tay Trần Phương mang cái mã vẻ ngoài hào hoa phong nhã. Đã thế rồi còn sắm vai cô đơn tội nghiệp trước cửa chùa! Nỗi “ức nhân duyên”, tự thấy mình như con công ăn lẫn gà rừng, lại gặp tay “câu tình sát gái” cao thủ như Trần Phương, làm gì nàng Thúy Vân chả chết!

Điệu gà rừng nổi tiếng của chiếu chèo, của “mảng miếng chèo” Xúy Vân giả dại với lời gọi đò thiết tha tuyệt vọng “Tôi kêu đò đò nọ không thưa – Tôi càng chờ càng đợi càng trưa chuyến đò”. Và điệu “vỡ nước” thì phải “Chắp tay tôi lậy đừng cười- Tôi không giăng gió gặp người gió giăng”. Thực ra lời trần tình ấy của nàng Xúy Vân, nghĩ cho cùng chỉ để “trời đất chứng minh”, hoàn toàn vô vọng với kẻ “lòng chim dạ cá” đã đành, vô vọng với ngay gia đình nhà chồng đang chịu trách nhiệm nhân thân về nàng.

Vậy mà nàng vẫn thương người dù người chẳng thương nàng “Tôi thương nhân ngãi tôi trách nhân tình- Đêm năm canh tôi thức một mình cả năm”. Và khi bi kịch tới đỉnh điểm, nhân tình lộ mặt Sở Khanh quất ngựa truy phong, đường về vuông chiếu phu thê mỏng hẹp thì rào cản đạo đức bịt lối. “Nỗi ức nhân duyên” không đổ đi đâu được, “sầu đong càng lắc càng đầy” (Kiều) kêu trời trời chẳng thấu gọi đất đất không thưa, nàng Xúy Vân chỉ còn con đường duy nhất là từ bỏ cõi trần ai lọc lừa, phản trắc đọa đầy này.

Chỉ có vậy nàng mới thoát cảnh “Con cá rô nằm vũng chân trâu- Để cho năm, bẩy cái cần câu châu vào”. Đủ loại thế nhân thế tục hèn hạ muốn biến người con gái đáng thương tài sắc vẹn toàn thành miếng mồi béo bở của bọn người xem chức vị bổng lộc cao hơn tình người; xem dục vọng tầm thường cao hơn nhân tình nhân nghĩa. Đó là con đường trẫm mình xuống dòng sông định mệnh.

Viết đến đây tôi chợt nhớ, xa xưa lắm rồi, thời ấy Tạp chí Sân khấu mới ra đời chưa lâu, có lần nghệ sĩ Diễm Lộc kể với Lưu Quang Vũ người thơ, người viết kịch tài danh kiêm . . . biên tập viên tạp chí thì phải; rằng mỗi một đêm diễn chèo Kim Nham về, bà lại khóc, khóc cho Xúy Vân và hình như khóc cả cho . . .mình. Bao nhiêu đêm diễn là bấy nhiêu đêm khóc trên sân khấu, khóc sau khi “Buông xuống màn nhung danh vọng hết- Người về lòng rũ sạch sầu thương- Người vào cởi áo lau son phấn- Trả cả vinh hoa lẫn đoạn trường” (Hoàng Như Mai).

Vâng, có thể người đời chỉ cảm bi kịch Xúy Vân, còn người nghệ sĩ như Diễm Lộc (chắc đã “lên chức” bà hay . . . lên cụ ) cùng không ít diễn viên tài danh tài hoa khác phải sống với Xúy Vân bằng tất cả trái tim và tài năng diễn xuất trời cho của mình, đổ mồ hôi sôi nước mắt trên sàn diễn trong ánh hào quang sân khấu.

Tôi nhớ khi Xúy Vân –Diễm Lộc đứng trên bờ sông định mệnh được trang trí phông màn cách điệu trên sân khấu rạp Hồng Hà, nhiều cụ bà, nhiều bà mẹ ngồi quanh tôi đã không cầm lòng được, phải lấy khăn tay hoặc vạt áo lau nước mắt. Có người khóc thành tiếng! Chỉ tiếc nghệ sĩ Diễm Lộc thủơ ấy đang “độ chín” tuổi nghề, 32, 33 tuổi đời gì đó, tôi đoán thế, ít khi trực tiếp thấy được người đời- khán giả chèo cổ vinh danh mình bằng. . . nước mắt!

Thế mới biết cái giá phải trả cho nghệ thuật mới đắt làm sao! Có thể trên đời nhiều nghề nghiên cứu khoa học, học thuật “đứng trên vai người khổng lồ” tận dụng thành quả “người đi trước” mà thăng tiến. Nhưng riêng nghệ thuật, với tôi trước hết là nghệ thuật chèo, hình như người diễn viên tài năng nào cũng chỉ có thể chủ yếu đứng vững bằng đôi chân của chính mình trên con đường đời vinh quang và cay đắng của chính mình!

Họ hát như chưa bao giờ được lên tiếng hát giầu năng lượng biểu cảm tình người như thế! Họ hát như chưa bao giờ được lên tiếng hát trên đời nên cuộc đời mỗi chúng ta mới có diễm phúc được nghe ” tiếng hát lên trời”, dù chỉ một lần, một lần thôi. . . . cũng là mãn nguyện, cũng là như . . .quá đủ / .