Bố thanh tra, con kinh doanh nhiều tài sản cũng dễ hiểu

Tác giả: Chung Hoàng

KD: Thú thực, đọc cái lý sự vòng vo tam quốc của ông Phó Tổng TTCP từ chiều, chán chẳng muốn đưa lên Blog, nhưng rồi tối nay lại đưa, vì cần lưu lại để làm tư liệu. Có một điều ông này rất đánh tráo khái niệm, hoặc hiểu không sâu về khái niệm. Cái mà ổng nói là sự kê khai tài sản, đó thực ra mới đạt độ công khai tài sản, mà chưa có độ minh bạch. Vì ở ta, chưa hề có cơ chế để minh bạch tài sản.

Nhìn xuống cuối bài, lượng đá bạn đọc ném cho ổng vào thời điểm này không ít (126 phản đối/6 đồng tình), chứng tỏ độ thuyết phuc của những phát ngôn loanh quanh luẩn quẩn của ông hệt chất lượng… thanh tra   😀

—–

Trả lời câu hỏi về tài sản thu nhập của các cán bộ lãnh đạo Thanh tra Chính phủ (TTCP), Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng khẳng định “tài sản thực tế và kê khai là khớp đúng”.

Tại cuộc họp báo TTCP hôm nay (11/4), sau khi nhận được một loạt câu hỏi về thu nhập trong ngành thanh tra, ông Trần Đức Lượng giải trình: Thanh tra viên cũng là công chức, thu nhập dựa trên lương theo thang bảng như quy định của pháp luật, có thêm một số phụ cấp thâm niên, nghề, trách nhiệm, bồi dưỡng tiếp công dân, chế độ công tác phí… theo quy định nhà nước và quy chế chi tiêu nội bộ.

“TTCP cũng như ngành thanh tra có thêm nguồn nữa là nguồn được trích để lại từ phát hiện sai phạm, kiến nghị thu hồi và đã thực thu về ngân sách nhà nước, được trích lập vào quỹ để mua sắm trang thiết bị phục vụ yêu cầu của hoạt động thanh tra, nhưng có một phần chi bồi dưỡng thêm cho cán bộ thanh tra”, ông Lượng nói.

thanh tra chính phủ, tài sản, kê khai, minh bạch, Ngô Văn Khánh
Phó Tổng TTCP Trần Đức Lượng: Không có thông tin nào nói việc kê khai tài sản là không minh bạch

Với câu hỏi “sao cán bộ thanh tra nhiều tài sản”, Phó Tổng TTCP cho rằng không khó giải thích: Nguồn gốc tài sản của nhiều người, nhiều cán bộ công chức, người dân không phải chỉ là thu nhập của chính người đó mà còn của các thành viên trong gia đình.

“Bố làm thanh tra nhưng vợ, con kinh doanh, hoàn toàn dễ hiểu. Không nên gắn thu nhập cụ thể của một người cụ thể với khối tài sản mà người ta phải kê khai. Vì theo quy định của pháp luật, họ phải kê khai tài sản của mình, của vợ và con chưa thành niên”, theo ông Lượng chỗ này phải rất rõ ràng mạch lạc.

Riêng với thông tin tài sản của một số cán bộ lãnh đạo TTCP, trong đó có Phó Tổng TTCP Ngô Văn Khánh, được cho là “không minh bạch”, ông ho biết: Chưa thấy chỗ nào khẳng định tài sản của các trường hợp này là không minh bạch.

“Có những trường hợp đã được kiểm tra, kết luận là tài sản thực tế và kê khai là khớp đúng, việc kê khai là chính xác, đầy đủ, không thể nói là không minh bạch. Có trường hợp không chỉ kê khai một lần mà kê khai hàng năm để phục vụ đánh giá cán bộ, có sự xem xét đối chiếu bản cũ bản mới xem có khớp đúng không. Cho đến nay chúng tôi chưa có thông tin nào là việc kê khai hàng năm có sự sai lệch, mà khớp đúng, logic, theo đúng quy định của pháp luật là kê khai tài sản của mình, vợ và con chưa thành niên”.

Ông Lượng nói thêm: Một số đồng chí trong giai đoạn gần đây có bước trưởng thành tiến bộ, được bổ nhiệm. Và mỗi lần bổ nhiệm cũng kê khai tài sản, được thẩm định bởi cơ quan thẩm định hồ sơ cán bộ.

“Tôi khẳng định không có thông tin nào nói việc kê khai tài sản là không minh bạch, mà chỉ có một kết luận là các đồng chí đã kê khai đúng theo quy định của pháp luật”, theo ông Lượng “phải rất thẳng thắn với nhau ở chỗ này”.

Đối với việc công khai, quản lý và sử dụng bản kê khai tài sản, Phó Tổng TTCP Trần Đức Lượng cho biết việc này đã được quy định cụ thể trong luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, một nghị định của Chính phủ và một thông tư của TTCP.

“Việc này liên quan đến bí mật đời tư của cá nhân được pháp luật bảo vệ”, ông Lượng nói. “Chúng tôi không khẳng định là trong nội bộ tuyệt đối không có khiếu nại tố cáo, nhưng nếu báo chí nhận được các đơn thư như vậy hãy trao đổi với chúng tôi, cao nhất là Tổng TTCP sẽ phân công các lãnh đạo, cán bộ cục vụ viện làm việc để thông tin đầy đủ, chính xác, khách quan cho báo chí”.

Phó Tổng TTCP cũng cho biết cơ quan này được giao xây dựng đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ quyền hạn, đã trình và được Chính phủ cho ý kiến, tới đây sẽ tiếp tục xin ý kiến của UB Thường vụ QH để sau đó QH thông qua.

“Minh bạch tài sản thu nhập là một trong những giải pháp phòng ngừa tham nhũng có hiệu quả, được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới, tất nhiên mỗi nước có mức độ công khai minh bạch khác nhau. Bộ Chính trị đã có chỉ thị yêu cầu đảng viên phải tiền phong gương mẫu trong thực hiện việc minh bạch tài sản và thu nhập”, ông Trần Đức Lượng nói.

———–

http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/169997/bo-thanh-tra-con-kinh-doanh-nhieu-tai-san-cung-de-hieu.html

 

 

Nước Nga hôm qua, nước Nga hôm nay

Tác giả: Theo Blog Vương Trí Nhàn

Cậu bảo: Cũng không xa
– Nước Nga? –  Ờ nước ấy Và há mồm khoan khoái Lão ngồi mơ nước Nga… Tố Hữu Lão đầy tớ 6-1938


Những hình ảnh  nước Nga hôm nay, vốn đã thường xuyên đi về trong tâm trí chúng ta, lại  được tô đậm nhân sự kiện xảy ra ở Ukraina từ 3-2014. “Hình như bên đó chủ nghĩa cộng sản không chết, nay ở họ đang là chủ nghĩa Stalin không đảng”—một người tôi quen đã đoán như vậy.  Một người khác nói một câu vu vơ, sau cũng thấy có vẻ rơi vào khái quát non, nhưng vẫn cả quyết là chắc đúng đến 50%.. Cái câu buột miệng của anh ấy là “Khi một dân tộc đã dính vào chủ nghĩa này thì không bao giờ rời khỏi nó được nữa, không bao giờ trở lại như một dân tộc bình thường ”.


Tôi nghe thấy hoang mang, không dám tin mà cũng không có cách gì bác bỏ… Chỉ có điều chắc là đang có một tình trạng suy đồi của xã hội và con người, và tất cả bắt nguồn từ lịch sử.  Những bài báo nước ngoài mấy năm nay tôi đọc được, đã ghi chép vào nhật ký, và gộp lại dưới đây, đều thống nhất ở cái ý đó.
Tiếp tục đọc

Nỗi khổ nông dân ngày nay

Tác giả: Thư ký thời đại

KD: Quá bất bình vì những vụ việc người nông dân phải gánh chịu nhiều nỗi khổ: Trồng dưa, dưa ế, có tiền thì bị cán bộ xã ăn… chặn, nhà báo Nhật Tân vừa gửi cho Blog bài bình dưới dạng thơ. Xin được đăng lên đây, để bạn đọc cùng chia sẻ.

Ngày xưa nhất Sĩ nhì Nông

Bây giờ nhất Sĩ còn riêng Nông hết thời

Khổ thân Nông dân nước tôi

Làm ra sản phẩm chẳng nơi nào cần

Làm ăn vất vả cực thân

Được mùa rớt giá hỏi mần sao đây? Tiếp tục đọc

Đầu tư công: Quyết sai thì ai chịu?

Tác giả: Nguyễn Lê

KD: Thì dân chịu. Rất rõ ràng nhé, câu phát ngôn ấn tượng của Chủ tịch QH: “Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai”.

Dân cứ như tấm mộc í nhể?  😀

Quy định xử lý trách nhiệm liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư công tiếp tục gây tranh cãi…

Đầu tư công: Quyết sai thì ai chịu?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, quyết chủ trương đầu tư là cơ quan dân cử, quyết dự án là thủ trưởng cơ quan hành pháp.

Từng được bàn thảo nhiều chiều tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ phiên họp tháng 2/2014, quy định xử lý trách nhiệm liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư công tại dự án Luật Đầu tư công lại tiếp tục gây tranh cãi tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, sáng 11/4.

Theo dự thảo luật mới nhất, người có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các chương trình, dự án sai, kém hiệu quả, không cân đối được vốn để thực hiện gây thất thoát, lãng phí do lỗi mình gây ra phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại và bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật. Dự thảo luật cũng quy định, tổ chức, cá nhân liên quan đến lập, thẩm định dẫn đến quyết định chủ trương đầu tư sai, kém hiệu quả do lỗi mình gây ra phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại và bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đặt câu hỏi, Quốc hội phê chuẩn dự án sai liệu có kỷ luật được Chủ tịch Quốc hội không, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng nếu quyết định chủ trương đầu tư là tập thể, thì không thể kỷ luật được.

Nhận xét lĩnh vực đầu tư công vốn nhiều tai tiếng, thất thoát, tham nhũng làm xói mòn niềm tin của nhân dân, đại biểu Ngô Văn Minh cho rằng quyết định chủ trương đầu tư sai là gốc của lãng phí tham nhũng. Vì thế, đề xuất đầu tư sai thì phải xử lý.

Ông Minh phân tích, đã quyết định chủ trương đầu tư các chương trình, dự án sai, kém hiệu quả, là có dấu hiệu phạm tội. Nên nếu chỉ nói phải bồi thường thiệt hại và kỷ luật là không đúng mà phải xử lý theo quy định của pháp luật, kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đại biểu Minh cũng đặt vấn đề, quy định tổ chức, cá nhân liên quan đến lập, thẩm định dẫn đến quyết định chủ trương đầu tư sai, kém hiệu quả do lỗi mình gây ra phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại và bị xử lý vi phạm là cách chơi chữ, hay có vùng cấm gì chỗ này? Quy định như vậy theo ông Minh còn rất mập mờ, cần chỉnh sửa cho chặt chẽ hơn nữa.

Trở lại quan điểm đã phát biểu ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quyết chủ trương đầu tư và quyết dự án là hai chuyện khác nhau, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, quyết chủ trương đầu tư là cơ quan dân cử, quyết dự án là thủ trưởng cơ quan hành pháp.

Tuy nhiên, không phải tất cả công trình đều đưa ra Quốc hội và hội đồng nhân dân quyết, mà Quốc hội chỉ quyết chủ trương các công trình đặc biệt quan trọng tác động đến toàn bộ nền kinh tế, vì thế tiêu chí của dự án đưa ra Quốc hội quyết chủ trương đầu tư là phải rõ trong luật, Chủ tịch lưu ý.

Theo Chủ tịch, Quốc hội là cơ quan lập pháp, nếu quyết sai cũng phải nhận khuyết điểm chứ không phải kỷ luật, Chủ tịch Quốc hội cũng không phải người đứng đầu Quốc hội. Vì thế, không thể vì cả 500 đại biểu bỏ phiếu mà kỷ luật cả 500 vị hay kỷ luật ông Chủ tịch.

“Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

Ông cũng cho rằng Quốc hội không nên quyết các vấn đề quá cụ thể của các dự án đầu tư công, mà phải để Thủ tướng, bộ trưởng, chủ tịch ủy ban quyết.

Với nhận xét quy định về trách nhiệm tại dự thảo luật vẫn như dòng sông êm đềm không vướng víu, đại biểu Đỗ Văn Đương đề nghị cần phải phân định rõ trách nhiệm của người quyết định chủ trương đầu tư và quyết dự án cụ thể.

Bởi có dự án được trình Quốc hội quyết chủ trương nhưng trên thực tế đại biểu không nắm được đầy đủ thông tin để đưa ra quyết định chính xác. Đồng thời hàng năm, địa phương phải báo cáo công trình nào đầu tư sai không hiệu quả để khắc phục, đi liền với xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan.

Nếu chỉ nói xử lý theo quy định của pháp luật thì nghe êm đềm lắm, đại biểu Bùi Văn Phương đồng tình với đại biểu Đương.

Cho rằng còn một số vấn đề lớn sẽ mắc khi sửa Luật Ngân sách, đại biểu Đinh Văn Nhã đặt vấn đề nên lùi việc thông qua Luật Đầu tư công đến kỳ họp Quốc hội thứ 8 thay vì thông qua tại kỳ họp thứ 7 tới.

——

 

 

Ăn chặn tiền hỗ trợ của 900 hộ dân Tiên Lãng

Tác giả: Thân Hoàng

KD: Tưởng ăn chặn chỉ là hành vi lén lút, đáng xấu hổ. Chứ ở đây, ăn chặn do Chủ tịch xã quyết định, chỉ đạo hẳn hoi, thì sâu mọt quả thật đã ăn ruỗng cả trí não của vị này rùi  😳

 Tháng 10-2013, UBND TP Hải Phòng có quyết định về việc phê duyệt kinh phí hỗ trợ nông dân sản xuất vụ đông.

Ông Ngô Văn Sĩ (khu 10, xã Tiên Thắng) trên mảnh ruộng chuyển sang trồng thuốc lào từ lâu nhưng vẫn nằm trong danh sách được hỗ trợ tiền trồng khoai tây – Ảnh: T.Hoàng
              Bắt tạm giam chủ tịch xã vì “ăn chặn” tiền chính sách

               Đừng để người nghèo bị ăn chặn

Tuy nhiên, theo điều tra của Tuổi Trẻ, tại huyện Tiên Lãng có nhiều xã làm giả hồ sơ, quyết toán khống số tiền được hỗ trợ và không chi trả cho người dân.

Khi gặp chúng tôi, nhiều người dân ở các xã Tiên Thắng, Tiên Cường, Bắc Hưng, Quang Phục… bức xúc: “Nông dân chúng tôi đổ mồ hôi trên cánh đồng, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời quanh năm, đến cuối mùa thu lại không đủ vốn, vậy mà bây giờ số tiền hỗ trợ ít ỏi mỗi sào khoai tây chỉ được vài trăm ngàn đồng cũng bị lãnh đạo xã ăn chặn”.

Người chết cũng… ký nhận

Xã Tiên Thắng năm 2013 được cấp hơn 100 triệu đồng để hỗ trợ cho gần 200 hộ nông dân trồng ớt, khoai tây Alantic và trồng ngô vụ đông. Tuy nhiên đến nay tất cả hộ dân đều chưa được nhận tiền mà UBND xã đã lập hồ sơ quyết toán. Trớ trêu hơn, tại xã này có một số người dân mất cách đây vài năm mà vẫn có tên trong danh sách hỗ trợ và đã ký nhận tiền.

Gia đình ông Phạm Văn Đãi và Ngô Văn Vu ở khu 4, xã Tiên Thắng vô cùng bất ngờ khi biết có tên trong danh sách nhận hỗ trợ kinh phí gieo trồng vụ đông 2013. Cả ông Đãi và ông Vu đều đã mất cách đây gần chục năm mà vẫn có chữ ký trong danh sách nhận tiền. Khi được tận mắt nhìn chữ ký trong danh sách, người nhà ông Vu và ông Đãi phát hiện đó là chữ ký giả mạo. “Bố tôi mất cách đây gần chục năm rồi thì làm sao ký nhận tiền được. Gia đình tôi cũng không được thôn, xã thông báo nằm trong danh sách hỗ trợ cây vụ đông. Bây giờ tiền chưa nhận mà đã ký tên nhận trong danh sách thì vô lý quá” – anh Phạm Văn Tư, con trai ông Đãi, nói.

Ông Ngô Văn Sĩ (khu 10, xã Tiên Thắng) cũng hốt hoảng khi được PV Tuổi Trẻ cho xem danh sách nằm trong diện những hộ được hỗ trợ kinh phí giống gieo trồng vụ đông 2013. Ông Sĩ cho biết vì trồng khoai tây không có lãi nên từ ba năm nay gia đình đã chuyển sang trồng cây thuốc lào. Tuy nhiên, tên ông Sĩ vẫn được ghi trong danh sách nhận hỗ trợ với 389m2 trồng khoai tây và đã ký nhận số tiền gần 200.000 đồng. “Nhà tôi thôi trồng khoai tây từ lâu vì vụ nào cũng lỗ. Không trồng thì nhận hỗ trợ sao được. Chính quyền xã giả mạo chữ ký của tôi để quyết toán tiền hỗ trợ thì liều quá” – ông Sĩ nói.

“Tôi đồng ý cho anh em làm hồ sơ giả”

Theo điều tra của Tuổi Trẻ, toàn bộ gần 200 chữ ký của người dân trong danh sách đã nhận tiền của xã Tiên Thắng đều là chữ ký giả mạo. HTX Tiên Thắng đã tự lập hồ sơ, giả chữ ký gửi lên huyện để quyết toán tiền từ năm 2013. Giải thích về việc này, ông Trịnh Văn Vinh – phó chủ nhiệm HTX Tiên Thắng – cho biết cuối năm 2013 xã nhận được quyết định phân bổ hơn 100 triệu đồng tiền hỗ trợ sản xuất cây vụ đông. Theo ông Vinh, vì gần tết nên HTX đã làm giả hồ sơ để nhận tiền về. “Từ vụ trước, chúng tôi mua khoai của bà con bán cho đơn vị bao tiêu sản phẩm nhưng họ không thanh toán tiền cho chúng tôi. Anh em phải đi vay tiền trả cho bà con. Khi có tiền hỗ trợ, chúng tôi mới dùng số tiền này trước mắt để trả nợ đã vay” – ông Vinh giải thích.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ngô Ngọc Thuân – chủ tịch UBND xã Tiên Thắng – thừa nhận đã làm giả hồ sơ để nhận tiền hỗ trợ. Ông Thuân là người đã ký, đóng dấu vào danh sách giả này để HTX mang lên huyện nộp. “Lúc đấy là gần tết nên tôi đồng ý cho anh em làm hồ sơ giả. Lẽ ra sau khi nhận tiền về HTX phải trả tiền cho dân, làm hồ sơ thật gửi lên thế vào hồ sơ giả. HTX lại không làm mà tiếp tục mang hồ sơ giả đó lên huyện nộp để thanh quyết toán. Số tiền đó chưa được giải ngân cũng là lỗi của chính quyền” – ông Thuân đưa ra lý do chấp nhận cho cấp dưới làm hồ sơ giả.

Tương tự, hồ sơ nhận tiền hỗ trợ của hơn 700 hộ dân ở các xã Bắc Hưng, Tiên Cường, Quang Phục… với tổng số hơn 600 triệu đồng cũng được làm giả theo hình thức giống như Tiên Thắng. Thậm chí có xã không nằm trong diện được nhận tiền hỗ trợ nhưng Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tiên Lãng vẫn phê duyệt cấp tiền cho các xã. Theo ông Phạm Huy Dũng – chủ tịch UBND xã Bắc Hưng, việc xã làm hồ sơ giả gửi lên huyện là vì dịp sát tết và cho kịp “tiến độ cấp tiền về xã”. Tuy nhiên, đến nay số tiền hỗ trợ của các xã này cũng không được chi trả cho người dân.

Khó kiểm soát được thực tế

Ngày 10-4, làm việc với lãnh đạo UBND huyện Tiên Lãng, ông Lương Hữu Huyền – phó chủ tịch thường trực UBND huyện – thừa nhận sau khi biết tin PV báo Tuổi Trẻ đang tìm hiểu vụ việc, UBND huyện đã yêu cầu kiểm tra lại và thấy một số xã làm sai quy trình quyết toán, chi trả tiền hỗ trợ sản xuất vụ đông cho nông dân. Theo ông Huyền, có tất cả 17 xã, thị trấn trong huyện được nhận tiền với tổng số hơn 3 tỉ đồng. Trước mắt, huyện Tiên Lãng đã xác định hồ sơ của xã Tiên Thắng, Bắc Hưng lập ra để nhận tiền hỗ trợ là hồ sơ giả, chữ ký của người dân là chữ ký khống.

Ông Huyền cho biết thêm ngoài những xã lập hồ sơ khống, hầu hết các xã đến nay chưa chi trả cho người dân. Về lý do tại sao các xã lại lập hồ sơ khống, như vậy là “ăn chặn” tiền của nông dân, ông Huyền nói: “Như vậy là sai rồi”.

Ông Ngô Quốc Hiểu, trưởng Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tiên Lãng, cho biết huyện đã lập ba đoàn kiểm tra, giám sát việc chi trả tiền hỗ trợ sản xuất vụ đông 2013. Tuy nhiên, huyện không phát hiện sai phạm vì: “Chúng tôi chủ yếu kiểm tra, giám sát trên hồ sơ chứ rất khó kiểm soát được thực tế. Đúng là có xã diện tích ít mà khai khống lên nhiều, có xã làm hồ sơ khống”. Ông Huyền cho biết thêm sẽ lập đoàn thanh tra rà soát lại quá trình quyết toán, chi trả khoản tiền hỗ trợ này của toàn bộ 17 xã, thị trấn và sẽ xử lý nghiêm những xã làm sai, yêu cầu khẩn trương hoàn trả tiền cho nông dân.

——-

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-xa-hoi/Phap-luat/602297/an-chan-tien-ho-tro-cua-900-ho-dan-tien-lang.html

 

Dùng ODA như thế nào?

Tác giả: Trần Văn Thọ (*)

KD: Việc phụ thuộc lâu dài vào ODA phải được xem như là sự thất bại của chiến lược phát triển (Trần Văn Thọ)

Chuận không cần chịnh  😛

Gần đây dư luận xôn xao về việc Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) khai hối lộ 16 tỉ đồng cho quan chức ngành đường sắt Việt Nam để được thắng thầu trong các dự án xây dựng bằng ngân sách từ vốn vay viện trợ phát triển (ODA) do Chính phủ Nhật cung cấp. 

Tin này cho thấy tình hình sử dụng và quản lý vốn nước ngoài ở Việt Nam đang có vấn đề. Thứ nhất, một sự kiện tương tự mới xảy ra sáu năm trước, khi Công ty Tư vấn Thái Bình Dương (PCI) của Nhật hối lộ quan chức ở TPHCM trong dự án xây dựng đại lộ Đông Tây bằng ODA của Nhật. Tiếp tục đọc

GS Thomas Vallely: Cho rằng mình ‘ngoại lệ’ là rất nguy hiểm

Theo ông, đâu là điều kiện tiên quyết để có được tự do học thuật?

Trong bối cảnh Việt Nam, tôi cho rằng để mở rộng sự tự do hàn lâm chính là bớt e ngại nó. Chẳng có gì đáng sợ hay có hại từ tự do hàn lâm. Không có nó, thì không thể xây dựng các tổ chức hàn lâm đỉnh cao thật sự.

Những điểm yếu chết người của giáo dục Việt Nam là những điểm nào? Việt Nam nên đi theo mô hình nào về quản trị đại học?

Một mối nguy hiểm thường trực đối với các quốc gia hay các nền văn hoá là niềm tin cho rằng mình là ngoại lệ, vượt ra ngoài những quy tắc có tính phổ quát. Thật đáng tiếc, xu thế này đang lan rộng ở chính đất nước tôi, đến mức có một thuật ngữ cho nó, đó là “ngoại lệ Mỹ”. Tôi đã trải nghiệm đủ ở Việt Nam để biết rằng ở đây cũng có một phiên bản tương tự. Cho phép tôi, nếu có thể, gọi nó là “ngoại lệ Việt Nam”. 
Sau một thời gian dài theo dõi các cuộc tranh luận về cải cách giáo dục ở Việt Nam, tôi thấy tính ngoại lệ này thể hiện ở ít nhất hai lĩnh vực. Đầu tiên là về cách thức đo lường và đánh giá tiến bộ. Không thể cứ tiếp tục nói rằng Việt Nam ngày nay khá hơn Việt Nam trước đây 20 năm, một khi nó vẫn tụt hậu một cách tệ hại so với các nước trong khu vực. GS Hoàng Tuỵ là tiếng nói mạnh mẽ nhất phản đối sự nguy hiểm của tính tự mãn trong hệ thống giáo dục Việt Nam.
GS Thomas Vallely, cố vấn Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (Đại học Harvard), giải thưởng Phan Châu Trinh Vì sự nghiệp văn hoá giáo dục.
Lĩnh vực thứ hai mà chúng ta phải cảnh giác với ngoại lệ là quản trị đại học. Trong các bài nghiên cứu về giáo dục đại học Việt Nam, tôi và các đồng nghiệp đã nhấn mạnh tầm quan trọng cốt lõi của quản trị. Kinh nghiệm quốc tế đã chứng minh rằng khi các nước cố gắng cải thiện và mở rộng hệ thống giáo dục đại học, thì nền quản trị chứ không phải tiền bạc mới là trở ngại lớn nhất thường gặp. 
Tôi nghĩ rằng ở Việt Nam, có thể có xu hướng cho rằng tiền nhiều hơn sẽ là giải pháp cho mọi vấn đề trong giáo dục đại học. Điều này không đúng. Việt Nam đã chi rất nhiều tiền cho giáo dục đại học. Làm sao có thể đảm bảo rằng số tiền đó được chi tiêu hiệu quả và những cá nhân và tổ chức phải chịu trách nhiệm giải trình trước những quyết định mà họ đưa ra? Đó là lý do tại sao quản trị là quan trọng. Đây không phải là quan ngại của riêng Việt Nam. 
Ở Mỹ, các trường đại học thường chỉ trích chính quyền liên bang và tiểu bang khi nhà nước cắt giảm ngân sách giáo dục và nghiên cứu. Tuy nhiên, nhiều người cũng cho rằng các đại học phải làm nhiều hơn, phải nỗ lực để giảm chi phí giáo dục đại học vốn dĩ cao một cách bất hợp lý ở đây.

Là người nỗ lực hết mình cho sự ra đời của đại học Fulbright Việt Nam, theo ông đại học Fulbright sẽ tạo một lực đẩy thế nào cho tương lai?

Đại học Fulbright Việt Nam sẽ có những đóng góp lớn cho sự phát triển của Việt Nam thông qua nguồn vốn con người, vốn kiến thức mà trường đào tạo và hình thành. Nhưng đại học Fulbright Việt Nam chỉ là một tổ chức, với nhiều lắm là vài ngàn sinh viên và giảng viên. Để tạo ra được một số lượng đủ lớn người tài có kỹ năng để tạo sự thay đổi, Việt Nam cần thay đổi một cách hệ thống ngành giáo dục đại học.
Tôi hy vọng đại học Fulbright Việt Nam có thể đóng góp vào nỗ lực cải cách quy mô hơn này trong vai trò là mô hình kiểu mẫu về quản trị đại học, một mô hình mở, minh bạch, có trách nhiệm giải trình và đáp ứng với nhu cầu của nền kinh tế và xã hội Việt Nam.   

Chú thích ảnh: Thomas Vallely nhận giải thưởng Phan Châu Trinh vì sự nghiệp văn hoá giáo dục. (Ảnh: TL)

———-

 

Nịnh

Tác giả: Tiến Hải

KD: Đọc bài này, lại muốn “nịnh” ông anh Tiến Hải một tý: Anh TH ơi, bọn “nịnh” đọc bài viết này của anh họ thích lắm đó!  😀

Cảm ơn anh Tiến Hải  😀

Cô con gái cưng của Mác hỏi cha : “Ba ơi , thói xấu đáng ghét nhất của con người là gì ?” . Mác trả lời ngay không một chút do dự : “Thói nịnh hót”. Không riêng gì Mác, mọi người chân chính từ xưa đến nay đều có ý kiến tương tự như vậy. Vua Pie đệ nhất của Nga thường nói: “Thà tôi có một kẻ thù trắng trợn còn hơn có một nịnh thần bịp bợm”. Còn nhà dân chủ Ôgut Bêben thì gọi những kẻ nịnh là bọn “chỉ quen vẫy đuôi mừng trước chủ”…

Biểu hiện của thói nịnh hót rất phong phú. Loại nịnh phổ biến nhất, thường gặp nhất là dùng lời nói để tâng bốc người khác một cách quá đáng, có khi hèn hạ nhằm mục đích cầu lợi. Đối tượng để kẻ nịnh tâng bốc chủ yếu là người có chức, có quyền. Anh là thủ trưởng của kẻ nịnh ư ? Thế thì anh lập tức trở thành con người “toàn thiện, toàn mỹ” rồi. Mọi lời nói, cử chỉ, hành động của anh đều trở thành mẫu mực.

Tiếp tục đọc

Nhẽ ra “hạ cánh” trong tù, lại được… đặc ân

Tác giả: Nga Lê

Có những bản án oan uổng khác nữa, không phải dành cho những người bị ngồi tù, mà là những người không bị cách ly…

>>Tránh thảm kịch “gấu bị bắt nhận là… thỏ”

>> Vụ Cát Tường, dùng nhục hình và chặng đường gian nan

>> Đại biểu QH nói về vụ dùng nhục hình

>> Nhiều điều lộ ra sau phiên tòa gây phẫn nộ

Lâu nay, nói đến án oan là chúng ta thường nghĩ đến những bản án oan uổng đối với những người bị kết án, bị bỏ tù oan khuất. Chẳng hạn trường hợp ông Bùi Minh Hải (Nhơn Trạch, Đồng Nai) trót đánh rơi chiếc đồng hồ tại hiện trường vụ án mà bị giam trong tù 16 tháng. Hay ông Nguyễn Thanh Chấn (Việt Yên, Bắc Giang) bị ngồi tù oan hơn 10 năm khi lỡ đi qua nhà người bị hại vào thời điểm xảy ra vụ án.

Nhưng còn có những bản án oan uổng khác nữa, không phải dành cho những người bị ngồi tù, mà là những người không bị cách ly...

Cứ cán bộ, công chức là án treo?

Năm 2006, cả nước xôn xao vì vụ án “Quan tham ăn đất Đồ Sơn”. Kết thúc điều tra, 3 bị cáo là quan chức UBND thị xã Đồ Sơn bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Tại phiên tòa sơ thẩm, dù đưa ra những nhận định đanh thép “hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, cần phải xử lý nghiêm minh” nhưng ngay sau đó, TAND thành phố Hải Phòng lại tuyên một bản án “sững sờ”: Các bị cáo bị cảnh cáo và phải nộp 50.000 đồng án phí!

Phiên tòa kết thúc trong sự hụt hẫng của những người đấu tranh chống tiêu cực và sự phẫn nộ của công luận. May mà sau đó, tại phiên tòa phúc thẩm, TANDTC đã hủy bản án của TAND TP Hải Phòng để điều tra, truy tố, xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm. Và tại phiên tòa sơ thẩm cũng như phúc thẩm sau đó, 7 bị cáo đã phải nhận những hình phạt thích đáng hơn.

án oan, Tuy Hòa, công an dùng nhục hình, án treo, Đoàn Văn Vươn, quan ăn đất, thị Mầu
Ảnh minh họa: Khều

Đang gây bão công luận có lẽ là vụ án “Công an dùng nhục hình” diễn ra tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Vụ án “phạm tội tập thể” này có bỏ lọt tội phạm là một con “cá to” như luật sư, báo chí và công luận nghi ngờ hay không, cần phải cấp có thẩm quyền cao hơn vào cuộc.

Nhưng với việc đánh chết người tại trụ sở cơ quan công quyền mà cả VKS lẫn Tòa án đều có chung quan điểm, rồi chỉ có 3 án tù, người nặng nhất là 5 năm, còn lại 2 bị cáo án treo, cũng đã cho thấy những biểu hiện không bình thường trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử của vụ án này.

Báo cáo của TANDTC cho biết, tỷ lệ án treo đối với án liên quan đến tham nhũng là 36,5% (năm 2010), 37,1% (năm 2011), 30,2% (năm 2012) cao hơn các loại án khác (bình quân chỉ 21%). Một điều rất dễ để nhận ra là án treo thường được áp dụng cho những cán bộ, công chức khi bị truy tố trách nhiệm hình sự, từ phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng thì vẫn có thể “ung dung” được hưởng án treo. Phải chăng, đó là một đặc ân riêng, nằm ngoài những quy định nghiêm khắc của pháp luật và sự lên án của công luận?

Là một biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, án treo thể hiện tính nhân đạo trong chính sách pháp luật hình sự của nhà nước. Nhưng sẽ là một bản án “oan uổng” nếu án treo được dành cho những tội phạm không xứng đáng.

Oan… thị Mầu!

Trở lại vụ án “Quan tham ăn đất Đồ Sơn”, trong vụ này đã có ý kiến chỉ đạo “Nếu có tình tiết giảm nhẹ, có thể xử phạt các bị cáo dưới khung hình phạt quy định”, và gợi ý “Vụ án xảy ra ở lòng hồ Trị An không xử lý hình sự” như báo cáo của TAND thành phố Hải Phòng. Ngoài ra, trong quá trình điều tra, truy tố, UBND thành phố cũng đã có 2 văn bản đề nghị miễn truy tố cho một vài quan chức với lý do: chưa xảy ra hậu quả về kinh tế, cá nhân sai phạm đã được xử lý hành chính kịp thời, bộ máy đã được kiện toàn.

Còn trả lời phỏng vấn báo Người lao động, Chánh án TAND TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, tâm điểm của vụ án “Công an dùng nhục hình” đánh chết người đã rất thật thà khi nói: “Chúng tôi chịu rất nhiều áp lực… Trong cuộc sống có những việc biết lẽ ra như thế này nhưng người ta không làm như thế mà làm khác một chút để bảo đảm mối quan hệ cho tốt”.

Tất cả những điều đó cho thấy nguyên tắc Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật nhiều lúc, nhiều nơi vẫn chỉ là mơ ước xa xôi. Nói như dân trong nghề, khi đáng lẽ phải “hạ cánh an toàn” ngay và luôn… trong tù, thì dưới tác động của “ngoại lực”, bản án lại vẫn cứ được “treo lên” mới lạ lùng. Đâu rồi “Quân pháp bất vị thân” ?

Để kịp thời ngăn chặn tình trạng áp dụng án treo một cách tương đối “tùy tiện” trong quá trình giải quyết vụ án hình sự của TAND các cấp, mới đây Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng điều 60 của Bộ luật Hình sự về án treo.

Theo Nghị quyết này, kể từ ngày 25/12/2013, “không được xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với các tội phạm mà dư luận xã hội lên án, đặc biệt là các tội phạm về chức vụ, để phục vụ đắc lực cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống tham nhũng nói riêng”.

Điều này cho thấy tính cấp thiết của vấn đề.

Hậu quả lớn nhất của những án oan… thị Mầu chính là làm giảm lòng tin của nhân dân đối với pháp luật của nhà nước, đối với sự nghiêm minh của các cơ quan tiến hành tố tụng khi nhân danh nước CHXHCN Việt Nam, v.v…

Khoan hãy nói đến việc có hay không những khuất tất ẩn đằng sau hậu trường của mỗi phiên tòa, án treo dành cho những tội phạm đáng ra cần bị nghiêm trị cũng là một hình thức dung túng, bao che cho những hành động phạm tội. Và như vậy, tính tuyên truyền, giáo dục, răn đe không những bị phản tác dụng mà còn có nguy cơ tạo ra một bộ phận những con bệnh nhờn thuốc.

Tuyên những bản án như vậy là “oan uổng” cho bị cáo, oan uổng cho người bị hại và oan uổng cho chính những công dân đang hàng ngày tuân thủ chính sách và pháp luật của nhà nước.

———–

http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/169851/nhe-ra–ha-canh–trong-tu–lai-duoc—-dac-an.html