Vụ 3 trẻ tử vong sau tiêm vắc xin: Y tá chỉ nơi cất giấu vỏ thuốc

Tác giả: PV

KD: Quá đau đớn   😦

Sau khi bị cơ quan Công an bắt tạm giữ để phục vụ điều tra, Y tá Thuận đã khai nhận và đưa cơ quan điều tra trở lại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa để lấy những lo thuốc tiêm nhầm cho 3 trẻ sơ sinh, được chôn giấu ở một gốc cây.

Lọ vắc xin và lọ thuốc gây mê Esmeron và lọ vắc xin vêm gan B     Theo khai nhận của y tá Nguyễn Thị Thuận tại Cơ quan điều tra: Thuốc được tiêm nhầm là Esmeron. Theo nhiều người có chuyên môn trong lĩnh vực Y tế thì thuốc gây mê có tác dụng làm giãn cơ. Quá trình gây mê cho bệnh nhân phải có máy móc hỗ trợ trong việc hô hấp và nếu dùng thuốc này tiêm cho trẻ sơ sinh thì sẽ dẫn đến tử vong.

Tiếp tục đọc

Không thể chống tham nhũng bằng lời kêu gọi

Tác giả: Lê Thanh Phong

KD: Nói thẳng là đã qua rồi cái thời bao cấp, mỗi lời hiệu triệu của chính quyền từ cơ sở, người dân hào hứng tham gia. Bởi sao? Bởi người ta có niềm tin, rằng cả dân tộc cùng nhìn về một hướng. Còn giờ đây, trước quốc nạn tham nhũng, trước các “nhóm lợi ích”, trước sự tha hóa về nhân cách, phẩm chất của không ít vị quan chức, người dân không còn tin nữa.

Báo cáo về chức năng thanh tra của ngành với Chủ tịch Quốc hội ngày 31.3, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết: “Với chức năng quản lý nhà nước, chúng tôi đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương báo cáo việc nhận quà tặng dịp tết. Tuy nhiên, nhận thì không biết bao nhiêu, nhưng một năm chỉ báo cáo vài trăm triệu đồng. Xem ra báo cáo như vậy là rất ít, không tương xứng với thực tế”.

Mỗi một mùa tết mà các bộ, ngành, địa phương chỉ nhận quà vài trăm triệu đồng, liệu có đáng tin không? Ông Huỳnh Phong Tranh không tin, tuy nhiên ông phát biểu khá lịch sự, rằng “xem ra báo cáo như vậy là rất ít, không tương xứng với thực tế”.

Tất nhiên sẽ không ai tin con số đó là thật. Và vấn đề đặt ra, ai cũng biết là các bộ, ngành, địa phương báo cáo số tiền quà tết không đúng với thực tế, nhưng không ai làm gì được ai. Tổng Thanh tra Chính phủ cũng chỉ biết thế thôi, chỉ phát biểu thế thôi, chưa nghe nói có biện pháp gì để chống “thất thoát” tiền quà tặng quan chức dịp tết và chống báo cáo láo. 

Trước Tết Giáp Ngọ, hàng loạt các địa phương, bộ, ngành ban hành quy định về nhận quà và tặng quà. Đặc biệt là nhận quà không đúng quy định phải báo cáo lên Thanh tra Chính phủ. Tinh thần chống tham nhũng tỏ ra rất quyết liệt trên văn bản, nhưng kết quả của nó rồi cũng chỉ như báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh mà thôi.

Vì sao kết quả thấp như vậy? Bởi vì với một người cố tình tham nhũng, chẳng ai quan tâm đến nhận quà như thế nào là đúng quy định hay không đúng quy định. Mục đích của họ là tìm mọi cách để vơ vét. Cho nên, các văn bản quy định đầy hình thức đó không ngăn cản được làn sóng tham nhũng như “sóng thần” hiện nay.

Phòng, chống tham nhũng có cả một hệ thống pháp luật và một bộ máy các cơ quan thực thi, nhưng tham nhũng không sợ pháp luật, tham nhũng vẫn lọt qua các rào chắn khác nhau của hệ thống. Luật sờ sờ ra đấy, nhà tù trước mắt đấy, khối kẻ còn chưa sợ, vậy thì đưa ra quy định báo cáo quà tặng tết quả là một điều quá lạc quan. Với thực trạng quốc nạn tham nhũng hiện nay, không thể cứu chữa bằng một lời kêu gọi.

Số tiền nhận quà tết của các bộ ngành, địa phương báo cáo lên Thanh tra Chính phủ chỉ vài trăm triệu đồng thì chính những người tặng quà sẽ nhếch mép cười vì sự dối trá của con số. Hơn ai hết, từng người trong số người đi tặng quà biết mình đã đưa bao nhiêu; có khi, tổng số tiền mà Thanh tra Chính phủ được báo cáo chưa bằng một món quà của một người đã tặng cho ai đó.

Đưa ra quy định mà không có khả năng kiểm soát là rất vô ích. Nguy hiểm hơn, nó sẽ tạo ra tập quán coi thường các quy định của các cơ quan chính quyền.

———–

Nguồn: Lao động

 

 

Ông Nguyễn Trần Bạt: Lào, Campuchia đã vượt Việt Nam rồi

Tác giả: Tâm An (thực hiện)

KD: Thật đau khổ và xấu hổ, nhưng đây là sự thật. Khi sang Lào, CPC, mình đã ngỡ ngàng về văn hóa, ứng xử nơi công cộng, nhất là người Lào, văn minh, văn hóa, nhẹ nhàng… Và mình buồn đến thẫn thờ khi nhớ về VN của mình  😦

Cơ sở hạ tầng, chất lượng nhân lực, chính sách cũng như những tồn tại vấn đề tham nhũng, gánh nặng quy định pháp luật… là những rào cản thu hút FDI.

Trong cuộc trao đổi với PV Đất Việt sau khảo sát của phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI thực hiện với các doanh nghiệp nước nước ngoài (FDI), so sánh các chỉ số cơ bản ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của họ vào Việt Nam với các nước láng giềng khác, chuyên gia Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch InvestConsult Group đã phân tích kỹ hơn về những điểm mạnh, yếu của Việt Nam trong vấn đề thu hút FDI thời gian qua.

Ngoài ra, ông Nguyễn Trần Bạt cũng cho rằng, môi trường của Việt Nam hiện nay chưa thuận tiện cho các chuyển giao công nghệ, bởi vì không thể “giao trứng cho ác” nên Việt Nam phải chứng minh không là ác để cho người ta giao trứng.

Sự hấp dẫn FDI đang kém đi

PV: Báo cáo đưa ra tại lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2013 của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa qua cho thấy, có đến 54% doanh nghiệp nước ngoài (FDI) được khảo sát trước khi chọn Việt Nam đã từng cân nhắc đầu tư vào các nước như Trung Quốc (11,1%), Thái Lan (10,6%) và Campuchia (7,7%)… đặc biệt là Lào (4,13%) trong khi năm 2011, 2012 con số này khoảng 32%.

Theo ông, thực tế trên cho thấy điều gì, phải chăng Việt Nam đã kém hấp dẫn so với các nước khác trong khu vực?

Ông Nguyễn Trần Bạt: – Cách đưa số liệu như vậy không phản ánh hay không tạo điều kiện thuận lợi cho chúng ta đưa ra bất kỳ kết luận gì chắc chắn.

Các nhà đầu tư nước ngoài trước khi đến Việt Nam có thể cân nhắc đến Lào, Campuchia hay Thái Lan, Trung Quốc là một chuyện thông thường. Cân nhắc là bản năng của các nhà đầu tư, họ cân nhắc bằng chính họ và họ cân nhắc bằng kết quả của các tổ chức cung cấp dịch vụ nghiên cứu cho họ bởi vì phát triển thị trường là một việc rất nghiêm túc.

Cách so sánh như thế này là chúng ta thương mại hóa sự so sánh quốc gia. Chưa kể việc đưa ra những so sánh ấy rất bất lợi, trong quan hệ của chúng ta với Trung Quốc, vì đây là hai đối tượng rất khó để so sánh với nhau.

Còn so sánh với Lào, Campuchia thì có vẻ trịch thượng. Trong quan hệ quốc tế thì thái độ này không thích hợp cho lắm. Tuy nhiên, chúng ta cũng buộc phải kết luận rằng sự hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài của Việt Nam là kém đi.

Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch InvestConsult Group
Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch InvestConsult Group

PV: Các nhà đầu tư nước ngoài cũng xếp hạng cơ sở hạ tầng của Việt Nam ngang bằng với Campuchia và Lào, trong khi tham nhũng và gánh nặng quy định pháp luật Việt Nam bị đánh giá là hơn 2 nước này. Đây có phải là nguyên nhân khiến doanh nghiệp FDI cân nhắc đầu tư vào Campuchia và Lào trước khi quyết định vào Việt Nam?

Ông Nguyễn Trần Bạt: – Có một lần khi tôi làm việc với Sở du lịch TP Đà Nẵng, anh Giám đốc Sở có nói với tôi rằng, nếu đem so với Huế và Hội An thì Đà Nẵng kém ở chỗ không có di sản trong khi Hội An và Huế có nhiều di sản.

Tôi có nói là nếu chúng ta không có di sản thì chúng ta có tài sản. Người ta tham gia vào quá trình cạnh tranh bằng rất nhiều tiêu chuẩn, văn hóa, còn cơ sở hạ tầng được xét vào loại tài sản, bởi nó là kết quả của đầu tư.

Như vậy, nếu đem so Việt Nam với Campuchia và Lào thì chúng ta thấy rằng chúng ta kém Campuchia một cách rất rõ ràng về mặt di sản, chúng ta kém Lào về sự bảo tồn các trạng thái tự nhiên của nước Lào, tức là tính hoang vu, tính hoang vắng, tính tồn tại một cách tự nhiên. Thiên nhiên có lẽ cũng là một loại di sản, cho nên khái quát hóa khái niệm di sản chúng ta thấy di sản của chúng ta kém hai nước này. Chúng ta chỉ có tài sản, chúng ta phát triển trước họ, chúng ta đi trước họ trong chuyện mở cửa, trong chuyện kêu gọi đầu tư nước ngoài.

Công ty của tôi đã từng giúp Bộ Khoa học và Công nghệ Lào trong việc xây dựng một số các dịch vụ liên quan đến sở hữu trí tuệ, qua đó tôi hiểu được họ đi sau chúng ta.

Họ đi sau chúng ta thì chúng ta mặc nhiên xem họ là kém thì không đúng, chúng ta không thể nói là hoa hậu Ngọc Hân và hoa hậu Bùi Bích Phương ai đẹp hơn ai được. Tất nhiên bao giờ thế hệ trẻ cũng có ưu thế của nó, các nước mới phát triển, mới mở cửa có ưu thế của nó.

Nhưng người Lào tạo ra ưu thế chứ không phải chỉ có chúng ta giúp người ta tạo ra ưu thế. Người Lào mở cửa với cánh phía Tây của nó là Thái Lan, cho nên các nguồn lực kinh tế không chỉ đi từ phía Đông là Việt Nam sang. Chúng ta có đường 7, có đường 9, có một số đường đi sang Lào, nhưng ở Thái Lan họ cũng sang Lào bằng rất nhiều con đường. Gần đây họ mở cửa cả biên giới phía Bắc tức là Trung Quốc. Người Lào cố dứt ra khỏi tình trạng lệ thuộc một phía trong quá trình mở cửa đất nước của họ, đấy là một sự sáng tạo địa chính trị. Tất cả các quốc gia đều tìm cách để bứt ra khỏi tình trạng lệ thuộc, Camuchia cũng thế.

Còn cơ sở hạ tầng, nếu bây giờ người ta đánh giá Việt Nam kém hay bằng với Lào hay Campuchia là một vấn đề, bởi vì chúng ta đi trước mà chúng ta không giải quyết được cơ sở hạ tầng.

Chúng ta đầu tư một cách dàn trải, đất nước không được phân chia, không được quy hoạch để có thể dồn tiền vào làm từng bước một, cho nên chúng ta không tạo ra bằng phương pháp cuốn chiếu để hoàn thiện dần dần đất nước của mình về mặt cơ sở hạ tầng, cái đấy là một lỗi.

Do đó đứng ở góc nào người ta cũng thấy không hoàn thiện, và người ta có thể kết luận là đầu tư cơ sở hạ tầng của mình kém, kém sau khi đã triển khai một đống tiền.

Đây là một cảnh báo buộc phải lưu ý, chưa kể chúng ta lại còn là một nước có thứ bậc tham nhũng cao hơn Lào và Campuchia. Tham nhũng phản ánh sự phiền hà của hệ thống quản lý, thể hiện tính không hiệu quả của quá trình đầu tư và thể hiện sự suy thoái đạo đức trong việc tiếp đối tượng mà các nhà đầu tư hoặc các nhà du lịch người ta tiếp xúc.

Chúng ta phải cảnh báo là thua kém về di sản, cho nên bây giờ chúng ta đang nói rất nhiều về các di sản phi vật thể. Những di sản phi vật thể tức là những di sản không nhìn thấy. Mà đại bộ phận những người du lịch người ta thích nhìn thấy hơn là người ta nghe mình nói. Bởi vì hầu hết du lịch là không chuyên nghiệp trong việc thưởng thức các di sản phi vật thể.

Cho nên tự nhiên chúng ta giống một người nói nhiều về mình. Một người nói nhiều về mình, một quốc gia nói nhiều về mình thì thường không hấp dẫn con người.

Di sản kém, cơ sở hạ tầng kém, tức là cạnh tranh bằng di sản không ưu thế, cạnh tranh bằng tài sản cũng không ưu thế, và cạnh tranh bằng đạo đức cũng không ưu thế. Đây là một cảnh báo khổng lồ, đây mới là cảnh báo chứ không phải so sánh phần trăm.

PV: – Ngoài ra còn có những nguyên nhân nào khác ngoài nguyên nhân cơ sở hạ tầng hay gánh nặng quy định pháp luật, vấn đề tham nhũng sẽ làm cho việc thu hút FDI của Việt Nam bị giảm đi, thưa ông?

Ông Nguyễn Trần Bạt: – Chúng ta vừa kiêu ngạo lại vừa thiếu hiểu biết, chúng ta hội nhập hàng chục năm rồi nhưng xã hội hiểu biết về các quy tắc quốc tế rất kém. Đến mức nhầm lẫn địa vị của ông Bộ trưởng một bộ với địa vị của ông Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong những chuyện gần đây.

PV: – Theo ông, để khắc phục tình trạng như ông vừa chỉ ra thì giải pháp trong ngắn hạn, dài hạn có thể là gì?

Cơ sở hạ tầng, chất lượng nhân lực, chính sách cũng như những tồn tại vấn đề tham nhũng, gánh nặng quy định pháp luật... là những rào cản thu hút FDI.
Cơ sở hạ tầng, chất lượng nhân lực, chính sách cũng như những tồn tại vấn đề tham nhũng, gánh nặng quy định pháp luật… là những rào cản thu hút FDI.

Ông Nguyễn Trần Bạt: – Gần đây có hai Nghị quyết mà tôi rất thích thú. Nghị quyết thứ nhất là Nghị quyết TW IV, Nghị quyết thứ hai là Nghị quyết Hành pháp, Nghị quyết của Chính phủ về việc nâng cao sức cạnh tranh quốc gia của Việt Nam.

Trong nội dung của hai Nghị quyết đã mô tả khá đầy đủ công việc đó, chúng ta vừa chấn chỉnh lại tư cách đạo đức của cả một hệ thống chính trị bằng Nghị quyết IV, chúng ta vừa xắp xếp trật tự xã hội lại cho nó thông thái, cho nó hợp lý bằng Nghị quyết của Chính phủ về nâng cao sức cạnh tranh của quốc gia.

Làm tốt hai chuyện này thì chúng ta sẽ đạt được, khắc phục được những khuyết tật mà chúng ta vừa thảo luận từ nãy đến giờ.

Lào, Campuchia đã “vượt mặt” Việt Nam

PV: Theo quan sát và đánh giá của ông, Campuchia và Lào có thể “vượt mặt” Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài hay không, nếu có thời gian có thể là bao lâu?

Ông Nguyễn Trần Bạt: – Tôi nghĩ bây giờ Lào, Campuchia đã vượt Việt Nam rồi. Dân số Campuchia, Lào ít hơn Việt Nam tức là gánh nặng để giải quyết mọi vấn đề xã hội thấp hơn, nhẹ hơn. Đây là một tham số rất quan trọng. Nếu một cố gắng nào đó để giải quyết cơ sở hạ tầng, để giải quyết vấn đề phổ biến kiến thức liên quan đến quá trình hội nhập của Lào và Campuchia thì nó đi nhanh hơn chúng ta rất nhiều.

Họ đã có ưu thế về di sản, về quy mô tài sản cần phải đầu tư, họ lại thực thi chính sách tốt hơn chúng ta. Có thể chỉ số hình thức về tham nhũng của họ cũng chẳng kém mình, nhưng cơ cấu nhẹ hơn và ít hơn cho nên dễ giải quyết hơn.

Rõ ràng họ có ưu thế trong việc khắc phục các khuyết tật cơ bản của một nền kinh tế hay của một quốc gia. Họ vượt chúng ta rồi chứ không phải mất bao nhiêu lâu.

Trong khi chúng ta đi trước, chúng ta ý thức trước, những người lãnh đạo của thế hệ cách đây vài ba chục năm thông thái đến mức tìm ra lối thoát để mở cửa đất nước trước cả Lào, Campuchia. Chúng ta có ưu thế là đã từng có một thế hệ lãnh đạo hết sức nhạy cảm, nhưng chúng ta không tận dụng được điều ấy, chúng ta ề à, chậm chạp. Chúng ta không phân tích các đặc điểm quốc gia, chúng ta vẫn say sưa trong việc nói về mình và chúng ta thua.

Nhớ một điều rằng bằng sự phát triển của công nghiệp hàng không việc nước Lào không có biển cũng không phải là khuyết tật sống còn. Và bằng thái độ nhân nhượng, bằng kích thước vừa phải một quốc gia không gây nguy hiểm cho ai cả, thì Lào và Campuchia rất có ưu thế với các quốc gia tầm cỡ với kích thước trong khu vực hiện nay.

Chúng ta so với khu vực là hơi to một tí, sự khôn khéo đôi khi không tỉ lệ thuận với kích cỡ của chúng ta. Cho nên chúng ta có thể có một chính sách đối ngoại thông minh từ phía trên cao của sự lãnh đạo, nhưng sự triển khai chính sách lại kém ở phía dưới. Do đó phải nói thẳng là không còn dự trữ ưu thế cho Việt Nam nếu đem so với Lào và Campuchia.

Tuy nhiên, tôi lưu ý thế này, đây là cách quan niệm của một anh nông dân, tức là đem đối lập giữa mình với Lào và Campuchia. Nhưng nếu chúng ta xem đây là không gian kinh tế Đông Dương, tức Lào, Campuchia, Việt Nam thì phải nói rằng nếu cả Lào và Campuchia đều phát triển tốt hơn lên, điều kiện cơ sở hạ tầng, nền kinh tế tốt hơn lên thì nền kinh tế của bán đảo Đông Dương sẽ tốt hơn.

Nền kinh tế của bán đảo Đông Dương tốt hơn thì chưa chắc đã có hại cho Việt Nam mà còn có lợi cho Việt Nam. Cho nên chúng ta phải cân đối giữa việc đi nhanh một chút của Lào và Campuchia kéo mất đầu tư của chúng ta, với việc đầu tư nhảy dù vào toàn bộ bán đảo Đông Dương này. Bởi vì người Lào và người Campuchia rất cần Việt Nam như là cửa biển.

Cho nên rõ ràng trong chính sách đối ngoại, trong cách giải thích tìm ra chiến lược phát triển của bán đảo Đông Dương chúng ta phải hiểu chúng ta giữ địa vị gì, chúng ta phải thấy rằng sự vươn lên của cả Lào và Campuchia là lợi thế của bán đảo Đông Dương.

Bây giờ chúng ta mở rộng TPP tức là chúng ta vươn sang bên kia bờ Thái Bình Dương, thế thì tại sao chúng ta lại sốt ruột và đau khổ vì Lào và Campuchia vượt mặt chúng ta.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

(Còn nữa)

————-

http://m.baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/ong-nguyen-tran-bat-lao-campuchia-da-vuot-viet-nam-roi-3031376/

 

 

Hoa gạo bên sông

Tác giả: Đào Dục Tú

KD: Hoa gạo- cái tên nôm na dân dã nhưng lại lãng mạn không ngờ. Hoa gạo như một tín hiệu thời gian- tháng 03 về, lại như tín hiệu tình yêu- sự thắp lửa. Và mình yêu thích hoa gạo còn bởi nó gắn liền với những kỷ niệm tuổi thơ, gắn liền với những kỷ niệm riêng tư. Tháng 03 đã qua rồi, nhưng hoa gạo là vẫn ở lại vĩnh viễn trong ký ức mình, trong tạp cảm của anh Đào Dục Tú. Và tin rằng, trong bồi hồi của rất nhiều bạn đọc….

Xin đọc thêm:

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/hoa-gao-oi-

http://vietnamnet.vn/vn/ban-doc-phap-luat/141463/hoa-gao.html

https://kimdunghn.wordpress.com/2014/02/07/noi-dau/

.
Vừa hôm nào chầm chậm xe máy trên đê sông Đuống sang Hà Nội, nhìn xuống cánh bãi ven sông, thấy bơ vơ cây gạo đang độ xuân tươi khoe sắc xanh đắm đuối một mình, như cô gái trúc xinh quan họ. Bẵng đi một độ không qua, bữa nay thấy cây đỏ ối những hoa là hoa trong một ngày sáng trời thưa thớt của tiết xuân thường âm âm u u gió bấc mưa phùn.

Lạ nhỉ loài cây gạo. Cháy rực rỡ, cháy hết cho nắng cho gió, cho trời rộng với sông dài. Không có hương thì dồn vào sắc đỏ, từng bông từng bông nở trên cành cây đã gần như không còn lá xanh nữa, rồi theo nhau rụng xuống quanh gốc, lẫn vào đất vào cát, vào sự hững hờ của người đời trong nhịp điệu sống thường nhật ngoài bãi sông vắng tẻ cô liêu. Có “Ai về bên kia sông Đuống”, đò ơi !

Tiếp tục đọc

Tinh thần thể thao… Nô-bi-ta!?

Tác giả: Minh Phước

KD: Hị…hị… Tư duy ngộ, mà thâm thúy phết   😀

Giá như ai cũng “nhận thức” được như Nôbitô, cháu ba đời của Nôbita, biết “lo xa”, biết tìm về quá khứ… để mà cải thiện, để đừng có “mắc nợ” dài lâu, để mà thịnh vượng!
Họa sĩ, nhà văn Fujiko Fujio với bộ truyện tranh để đời Đôrêmon làm say mê bao nhiêu trẻ em nhiều nước trên thế giới, trong đó tất nhiên là có trẻ em Việt Nam.

Nhân vật chính trong bộ truyện tranh hấp dẫn này là cậu học trò lớp 04 tên là Nôbita vô cùng hậu đậu, cậu bé luôn thất bại trong mọi công việc trong hiện tại. Điều này tất yếu sẽ dẫn đến sau này tiếp tục thất bại trong công việc, trong cuộc sống, đẩy vợ con gia đình và cháu chắt vào cảnh nợ nần, túng thiếu, bần cùng.

Cũng vì thấy trước được điều này, cháu ba đời của Nôbita là Nôbitô quyết định gửi chú mèo máy Đôrêmon về quá khứ để giúp đỡ ông mình tiến bộ, hóa giải, cải thiện hoàn cảnh hiện tại, nhằm hướng đến những điều tốt đẹp hơn, hoàn mỹ hơn trong tương lai.

thể thao, Nobita, Doremon, truyện tranh, Asiad
Những nhân vật này đã trở nên quen thuộc với trẻ em VN

Như bao trẻ thơ khác, Nôbita rất nhân hậu, ham chơi và có nhiều khát khao, mơ ước. Cậu ấy muốn trở thành người có ích, muốn trở thành siêu nhân. Nhưng nghịch lý thay, cậu ấy lại mang trong mình những “khuyết điểm” vô cùng lớn đó là lười biếng, học dốt và chơi thể thao thật tệ. So với các bạn cùng trường, cùng lớp thì cậu ấy là cá biệt.

Điều cá biệt của cậu bé Nôbita là sự “bất thường” trong tinh thần Nhật Bản. Một đất nước làm nên được những điều thần kỳ trong kinh tế, công nghệ và thể thao nhờ tinh thần tự lực tự cường, thận trọng, đoàn kết, kỷ luật, cần cù, tỉ mỉ. Nền văn hóa Nhật Bản được thế giới tôn trọng, và tính “bất thường” hợp lý trong bộ truyện tranh Đôrêmon làm nên biểu tượng văn hóa của đất nước này.

Khả năng thực tế là không thể, thế nhưng, khi Nôbita muốn “đi tắt đón đầu”, muốn đạt được “thành tích cao”, cậu bé thường “bám víu” vào các “bảo bối” của Đôrêmon lấy ra từ chiếc túi kỳ diệu ở trước bụng chú mèo máy mập ú dễ thương ấy. Và lợi bất cập hại cũng từ đó mà ra, khi sử dụng những sự trợ giúp không đúng cách, quá trớn quá đà, nó trở thành con dao hai lưỡi, phản tác dụng.

Trẻ em thế giới yêu thích truyện Đô rê mon vì những suy nghĩ và hành động dễ thương sinh động của các nhân vật trong câu chuyện. Bao thế hệ trẻ em Việt Nam gần đây cũng mê mẩn bộ sách ấy và đặt nó vào một vị trí trang trọng trong tủ sách của gia đình. Giá trị của “Đô rê mon” có lẽ còn mãi “tính thời sự” trong những thế hệ tiếp sau…

Trẻ em Việt Nam cũng yêu thích thể thao như trẻ em Nhật Bản, và có lẽ yêu thích nhất là bóng đá. Quay về lịch sử hơn nửa thế kỷ, người Nhật đã lưu niệm cho “cường quốc bóng đá” Việt Nam một chiếc giày cỏn con với ngụ ý về nền bóng đá xứ Phù Tang còn khiêm tốn, nhỏ bé lắm. Thế nhưng hiện tại đã khác hoàn toàn.

Thể thao nói chung và bóng đá nói riêng thì Nhật Bản là cường quốc của châu lục và thế giới, còn Việt Nam vẫn loanh quanh trong chiếc “ao làng” Đông Nam Á mà không có cách nào thoát ra được. Nguyên nhân tại sao Việt Nam vẫn “dậm chân tại chỗ” như vậy thì rất nhiều… Và kinh tế Việt Nam vẫn còn nghèo lắm!

Những khuyết điểm “cá biệt” của Nôbita thì Việt Nam cũng có, không những ở trẻ em mà còn có cả người lớn. Và khi muốn “đi tắt đón đầu”, khi muốn đạt được “thành tích cao” họ cũng trông cậy vào nhiều “bảo bối”, trong đó có “bảo bối” là xin đăng cai tổ chức đại hội thể thao các cấp, cấp khu vực, cấp châu lục… Và công nhận, sau những lần đăng cai ấy, bản “thành tích” của đơn vị đăng cai được “cải thiện” đáng kể.

Những trẻ em Việt Nam ngồi xem truyền hình vỗ tay reo hò, vui mừng, phấn khởi vì những màn pháo hoa, ca múa, rước cờ của một biển người đầy màu sắc, đầy ánh đèn sân vận động trong những lần trực tiếp lễ khai mạc đại hội. Thế nhưng, chắc gì các em đã biết…

Câu chuyện của Nôbita và các bạn là chuyện của “những đứa trẻ” với nhau. Sự “bám víu” vào “bảo bối” của chú mèo máy Đôrêmon đến từ tương lai cuối cùng chỉ đọng lại những lời khuyên răn bổ ích cho “bọn trẻ”. Đó chính là sự chừng mực, cố gắng tự lực tự cường từ chính bản thân mình, thận trọng tính toán kỹ lượng trước mọi hành động suy nghĩ, biết trân quý thiên nhiên, con người và nhân loại.

Giá như “những đứa trẻ” Việt Nam “nhận thức” được như Nôbitô, cháu ba đời của Nôbita, biết “lo xa”, biết tìm về quá khứ… để mà cải thiện, để đừng có “mắc nợ” dài lâu, để mà thịnh vượng!

———-

http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/168321/tinh-than-the-thao—-no-bi-ta–.html

 

Biết xấu hổ thì không thua thiệt

Tác giả: Nguyễn Hoàng Đức

KD: Với cá nhân thì điều đó đúng. Trong GD có một khái niệm là “tự giáo dục”. Một con người bên cạnh sự giáo dục của nhà trường, gia đình, xã hội sẽ là người có nhân cách nếu biết tự giáo dục mình. Nhưng một dân tộc, cái sự tự biết xấu hổ đó còn phải gắn với một nền tảng pháp luật luôn được thượng tôn, và không kẻ nào có thể giẫm đạp lên cái “công cụ” bảo đảm cho xã hội “tự biết xấu hổ” đó.

Muốn dân tộc biết tự xấu hổ, những quan chức có trách nhiệm cũng cần biết… đỏ mặt trước tiên. Còn nếu các dinh thự, biệt thự của các bác vượt quá mức đồng lương nhà nước, cứ ngang nhiên mọc lên giữa cảnh nghèo khốn khó của dân, thì người dân cũng vẫn sẵn sàng “ăn cắp” bằng mọi cách. Đó không phải là sự ngụy biện của những kẻ ăn cắp vặt. Đó là sự noi gương.

“Tri túc bất nhục, tri sỉ bất đãi” – có nghĩa là: Hiểu biết thì không bị nhục, biết xấu hổ thì không bị ngược đãi. Để hiểu điều này cách giản dị, hãy nghe một lời khuyên của Kinh Phúc Âm: nếu ngươi vào hội đường hãy tìm chỗ ngồi bên dưới, khi đáng được ngồi trên người ta sẽ mời ngươi lên, chẳng phải hân hạnh sao?! Trái lại nếu ngươi không xứng lại ngồi chót vót hàng đầu, bị người ta mời xuống chẳng phải nhục nhằn sao?!

Làm người bị khinh ghét bậc nhất là hai hạng: 1-vô lại, 2- vô sỉ.

“Vô lại” là thứ người thấp cổ bé họng nhạt nhẽo chẳng cần phải để ý hay gặp lại. Loại này có cũng như không, cùng lắm là thứ giá áo túi cơm, thêm bát thêm đũa. Người Việt có câu “Thế gian chuộng của chuộng công/ Nào ai có chuộng người không bao giờ”, có nghĩa là người có của có công với mọi người sẽ được ghi nhớ, và cũng là người hữu ích cho người khác. Người phương Tây có phương ngôn “Kẻ nào chỉ vì mình sẽ thừa ra với người khác”. “Vô lại” – vì thế cũng là thứ vô tích sự, vô thưởng, vô phạt, nhờ nhờ, có cũng chẳng thêm gì, bớt cũng chẳng mất gì, thứ đó chỉ là đại diện vô hồn cho con số – tức sĩ số bát ăn.

“Vô sỉ” – thì là thứ đồi bại hơn thuộc phẩm chất tâm hồn, theo người Trung Quốc sỉ vả thì: vô sỉ – tức không biết xấu hổ thì là thứ không xứng đáng làm người, và tất cả tội lỗi trên đời đều bắt nguồn từ hai chữ “vô sỉ” này.

Nạn ăn cắp, dối trá, gian manh, lèo lá, phét lác, vô trách nhiệm, khôn ranh -ma lanh-ma xó-ma bùn ở Việt Nam thật đang ở mức trầm trọng, thậm chí có tác giả đang bàn, người Việt có kiểu chào chính thức nào chưa… nghe thật buồn!

Trung Quốc là một đại cường quốc dân số, vậy mà Lãnh tụ Tôn Trung Sơn đã chỉ bảo cả cách vệ sinh răng miệng, không nên nhổ bậy, rồi thải trung tiện ở chỗ đông người, rồi nạn ăn cắp vô tâm như cắt một mẩu da thuộc dây tải máy làm cả cỗ máy và dây chuyền giá vạn bạc nằm đắp chiếu…

Nạn ăn cắp của Việt Nam thì sao? Thôi thì ăn cắp cả dép để ngoài cửa, ăn cắp cả đường dây điện và điện thoại, ăn cắp nguyên liệu khiến cầu sập chết cả mấy chục mạng người, tháo cả đinh ốc cầu khiến cho nhiều người bị đặt vào tai nạn chết chóc, và ngay cả các thành phố lớn, kẻ cắp ngang nhiên ăn cắp những nắp cống, biến mặt đường thành bẫy giết người… vậy mà vô số kẻ vẫn nhởn nhơ cười bảo rằng “chưa có gì”. Chưa có gì ư? Nhiều nước họ yết bằng tiếng Việt nhắn nhủ thẳng cho người Việt chớ dại mà ăn cắp. Ăn cắp đến độ cả phóng viên truyền hình giầu nứt đố đổ vách cũng giở trò chôm xoáy, và chỉ có một nhúm người Việt sang nước Nhật mà đã lập kỷ lục thế giới với tên tuổi số liệu rõ ràng: 40% các vụ ăn trộm ở Nhật là của người Việt. Còn cả nước Nhật với phần còn lại của thế giới chỉ có 60% thôi.

Thụy Điển đã từng đặt camera theo dõi công nhân Việt Nam, và thấy cảnh ăn cắp diễn ra thường trực đến mức họ đã lấy đó làm ra một bộ phim tài liệu có tên “không thể cộng tác với Việt Nam”. Ở Việt Nam, ngay các quán cơm bụi ngày nay không hiếm gặp cảnh, người làm công khoe mẽ mình ăn cắp vật liệu như thể “chiến tích anh hùng, bố mày chẳng sợ ai”.

Ăn cắp xảy ra dễ dàng đại trà tại Việt Nam bởi một lý do nó không bị kết án cách quyết liệt, người ta nhờn với nó, và tất yếu như Hoàng đế Napoleon nói “Quá khoan dung với tội lỗi là đồng tình với tội lỗi”. Có lẽ rất nhiều người Việt nhìn thấy bóng dáng những ăn cắp kia hình ảnh tương tự của mình, chính thế mà người ta muốn xuê xoa với nó. Chẳng phải người Việt có câu “dễ người dễ ta, khó người khó ta” sao?!

Mới đây cũng chính vì các vụ ăn cắp ở Nhật bị phanh phui mà ông Giám đốc Hàng không Việt Nam mới phải ra lệnh: cấm các nhân viên phục vụ chuyến bay mang theo va ly lớn, mà chỉ được mang theo túi bé. Như vậy có phải là: không biết xấu hổ cho nên bị ngược đãi?!

Nhớ lại, đã có không ít người cảnh tỉnh tính xấu của người Việt, chẳng hạn như các cô dâu Việt sang Hàn Quốc xả rác lung tung… liền nghe có người biện hộ, con cháu tôi sang Hàn, người ta yêu lắm, dịu dàng ngăn nắp. Hay nguyên Tổng giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt nói “Ra nước ngoài tôi xấu hổ khi cầm hộ chiếu là người Việt…” đã bị một phong trào ào ào xỉa xói phản đối, cho đó là nhục quốc thể, người ta đã quên một câu phương ngôn của người Việt rằng “Anh em khinh trước làng nước khinh sau”. Anh em trong nhà không học chữ sỉ với nhau, thì sẽ chuốc lấy cái ngày bị nhục, như số liệu 40% của Nhật công bố những vụ trộm cắp của người Việt có tên tuổi đàng hoàng. Rồi mới đây, một quan chức trong ngành giao thông ở Việt Nam lại phải cắp cặp sang Nhật để hỏi về số liệu vụ tham nhũng đường sắt… thật đúng là: vô tri sỉ thì bị ngược đãi.

Ở đời ai chẳng muốn được tôn trọng. Nhưng để nâng mình lên trước hết người ta phải biết cúi xuống tẩy uế chính bản thân mình, biết xấu hổ, biết tri sỉ chính bản thân, thì rồi mới có thể bước ra cuộc đời thanh cao được. Đằng này vừa nói đến tật xấu đã giãy như đỉa phải vôi thì làm sao có thể rèn rũa tính tri sỉ cho mình. Đấy cũng là cách “thân lừa ưa nặng”. Khi người ta cảnh tỉnh thì không muốn nghe, để đến mức phải xin hồ sơ điên xin cho con khỏi tội ăn cắp, các nước dùng tiếng Việt chỉ đích thị vào dân Việt ăn cắp, rồi Nhật Bản nêu số liệu có danh sách người và vụ việc không thể chối cãi…

Một con người trở nên cao đẹp thì không thể tự nhiên mà người ta phải khổ luyện đào thải mình, chính thế mà mới gọi là ngành giáo dục, tức giáo hóa dục vọng của mình, như có công mài sắt có ngày nên kim. Còn con người muốn để nguyên mọi thói hư nết xấu của mình ư, như vậy có gì cao trọng đặc biệt để mà khoe? Nhà mình không trộm cắp ư? Đó mới là cái tốt tối thiểu vì không vi phạm luật hình sự thôi, vậy còn cái tốt tối đa như lên Bắc cực cứu cá voi, hay vào trại hủi Qui Nhơn để chia sẻ bệnh tật với người cùi… bao giờ thì người tốt bình thường làm được?! Một nhúm người thật thà ư, cái tốt nhỏ đó đã xây lên được một nước Việt Nam hùng cường vạm vỡ cao chót vót về đức lý chưa? Chưa đâu! Vậy thì đừng đem vài cái tốt nhỏ như trò chơi của đám trẻ con “pháo nổ phao nang cả làng chịu chưa”, sau khi pháo đất nổ, liền đập dẹt một mẩu đất sét nhỏ của mình dán lên miếng vỡ toang hoác của pháo đất…

Dân tộc Việt Nam đã ngót trăm triệu người, hiển nhiên là cường quốc về dân số, tại sao chúng ta lại không hy vọng chúng ta sẽ trở nên cường quốc về mọi mặt. Muốn có cường quốc đó thì không thể không có cố gắng đặc biệt. Vậy thì trước mắt, khi bị bàn đến những biến cải thói xấu chớ xù mình lên như một con nhím bị trọng thương, mà hãy như con voi dẫu có bị tắm bằng bàn chải sắt vẫn cảm thấy khoan khái nhẹ nhàng.

————

http://badamxoevietnam2.wordpress.com/

 

 

“Nghi án hối lộ”: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói gì với TT Nhật?

Tác giả: Tuấn Nam (theo Trí thức trẻ)

KD: Khổ nỗi, phối hợp thì chặt chẽ, chỉ có quản lý là… lỏng lẻo   😀  

Về “nghi án nhận hối lộ 16 tỷ”, Bộ trưởng Nên cho hay: “Lời đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói với Thủ tướng Nhật Bản là: “Chúng ta hãy phối hợp chặt chẽ…”.

 

Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm trong phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2014 chiều nay, 1/4, lànghi án nhận hối lộ 16 tỷ đồng” tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết:

“Bắt đầu chỉ là nguồn tin từ một tờ báo. Chúng ta cũng chưa biết thực hư như thế nào nhưng Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo rất quyết liệt, nhanh chóng phối hợp với bạn nắm thông tin điều tra, làm rõ, sớm có kết luận, xử lý nghiêm minh nếu có thật như báo chí đã nêu.

Trong một sự kiện mà có 2 Phó Thủ tướng chỉ đạo bằng văn bản và trực tiếp. Còn Thủ tướng Chính phủ trước khi lên đường dự hội nghị thượng đỉnh ở Hà Lan đã chỉ đạo cụ thể. Và khi đi qua đó cũng tranh thủ gặp Thủ tướng Nhật Bản”.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Vị Bộ trưởng này cũng chia sẻ: “Tôi chứng kiến lời đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói với Thủ tướng Nhật Bản là: “Chúng ta hãy phối hợp chặt chẽ, điều tra thận trọng, xử lý nghiêm minh. Thứ hai là nếu có thật thì chúng ta phải nhanh chóng rút kinh nghiệm để ngăn chặn những gì có thể xảy ra sau đó.

Chúng tôi cố gắng bằng mọi sức không để tình trạng này ảnh hưởng đến công việc mà Nhật Bản đã giúp đỡ nguồn vốn ODA cho Việt Nam”.

Điều đó nói lên rằng, quyết tâm của chúng ta khi nguồn tin chưa rõ nhưng chúng ta phải làm và đã làm. Còn Bộ GTVT thì đã chỉ đạo quyết liệt. Trực tiếp một Thứ trưởng qua Nhật Bản gặp các tổ chức có liên quan. Và người ta nói là đang điều tra. Trong cuộc họp hôm nay, Thủ tướng cũng chỉ đạo rằng chúng ta hãy thận trọng nhưng làm quyết liệt và có trách nhiệm đầy đủ, đảm bảo theo quy định của pháp luật”.

Trước đó, liên quan đến “nghi án nhận hối lộ 16 tỷ đồng” này, ngày 26/3, Bộ GTVT đã có Công văn số 3222/BGTVT-TCCB yêu cầu thêm một số các cán bộ, công chức làm báo cáo về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

"Nghi án hối lộ": Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói gì với TT Nhật?

Cụ thể, những cán bộ, công chức đang công tác gồm: ông Nguyễn Đức Thắng, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông); ông Trần Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (nguyên Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông); bà Nguyễn Minh Tuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông; ông Lê Quyết Tiến, Trưởng phòng Pháp chế – Đấu thầu, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông.

Ngoài ra, ông Phan Hữu Biên, Chuyên viên Phòng Pháp chế – Đấu thầu, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông; ông Vũ Nam Nguyên, Chuyên viên chính Vụ Kế hoạch – Đầu tư; ông Triệu Khắc Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ cao tốc thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam (nguyên Phó Trưởng phòng Thẩm định 1, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông) cũng phải làm báo cáo.

Những người đã nghỉ hưu gồm ông Lê Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; ông Nguyễn Hữu Bằng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; ông Hà Khắc Hảo, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Đầu tư.

Cùng với đó, đã có 4 lãnh đạo ngành đường sắt bị tạm dừng công việc phục vụ công tác kiểm tra, xác minh tin đưa hối lộ mà báo chí Nhật Bản nêu, bao gồm: Ông Ngô Anh Tảo, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đường sắt của Tổng Công ty; Ông Trần Quốc Đông, Phó Tổng giám đốc, nguyên Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt (giai đoạn 2009); Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt, Cục đường sắt Bộ GTVT; Ông Trần Văn Lục, nguyên Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt (giai đoạn 2000-2009), hiện là Trưởng ban dự án của Cục Đường sắt (Bộ GTVT).

———

http://soha.vn/xa-hoi/nghi-an-hoi-lo-thu-tuong-nguyen-tan-dung-noi-gi-voi-tt-nhat-20140401174349891.htm

 

Trừng trị các nhà độc tài

Tác giả: Ngô Sinh

KD: Đọc bài này, không hiểu sao mình nghĩ, cuộc đời này, thế giới hiện đại này cũng như một câu chuyện cổ tích, có cái Ác, cái Thiện, có Lòng tham và Sự khốn cùng. .. Những nhân vật ấy cứ chiến đấu với nhau, biết bao bi kịch diễn ra cũng chỉ xoay quanh một chữ “tiền”, kể cả Tình yêu. Và không bao giờ có hồi kết chung cho câu chuyện Cổ tích nhân loại này

——–

Đến nay, vẫn không thể phục hồi những “kho báu” đã được cất giấu của các nhà độc tài Hosni Mubarak, Zine El Abidine Ben Ali và Muammar Gaddafi

Nhiều chính quyền, tổ chức tài chính trên thế giới đã dựa vào một loạt lệnh trừng phạt và công cụ pháp lý để phong tỏa tiền bạc và tài sản dính líu đến các nhà độc tài đã bị lật đổ ở Ai Cập, Libya, Tunisia cũng như nhà lãnh đạo Syria Bashar Al-Assad vốn đang phải đương đầu với sức ép từ phe đối lập.

Những đồng tiền vấy máu

Năm 2011, Thụy Sĩ là quốc gia đầu tiên phong tỏa tài sản của Zine El Abidine Ben Ali và Hosni Mubarak sau khi chế độ của họ bị sụp đổ ở Tunisia và Ai Cập. Trước đó, ngay từ những năm 1980, chính phủ Thụy Sĩ đã đóng băng tất cả những gì trở thành tài sản của các nhà độc tài và nỗ lực trả chúng lại cho các quốc gia mà từ đó chúng bị đánh cắp đi. Sau khi nổ ra phong trào Mùa xuân Ả Rập, dư luận mới biết trong mấy thập kỷ gần đây, các nhà độc tài ở Ai Cập, Libya, Tunisia và Syria gửi khoảng 1 tỉ franc Thụy Sĩ ở các ngân hàng Thụy Sĩ.

Công chúng thế giới vẫn còn có suy nghĩ tiêu cực về Thụy Sĩ do nhiều kẻ chuyên quyền bạo ngược gửi tiền ở nước này. Do vậy, thay vì được hoan nghênh vì đã đi tiên phong trong việc trừng trị các “bạo chúa”, Thụy Sĩ vẫn bị chỉ trích vì đây là nơi chốn đầu tiên để các nhà độc tài giấu giếm những đồng tiền vấy máu – như nhận định của bà Rebecca Garcia, phát ngôn viên của Hiệp hội Các nhà hoạt động ngân hàng Thụy Sĩ.

Vẫn chưa thể phục hồi gần 300 tỉ USD của các nhà độc tài đã bị lật đổ Hosni Mubarak, Zine El Abidine Ben Ali và Muammar Gaddafi (từ trái sang) Ảnh: HIZB.ORG.UK
Vẫn chưa thể phục hồi gần 300 tỉ USD của các nhà độc tài đã bị lật đổ Hosni Mubarak, Zine El Abidine Ben Ali và Muammar Gaddafi (từ trái sang) Ảnh: HIZB.ORG.UK

Ai cũng biết Thụy Sĩ lâu nay là một trong những địa chỉ ưa thích để các nhà độc tài trên thế giới gửi thác của cải phi nghĩa. Về phần mình, chính phủ nước này muốn tạo điều kiện dễ dàng cho việc đóng băng và hoàn trả khoản tiền bất chính bằng một đạo luật mở đường cho các chuẩn mực mới trên toàn cầu. Báo The Wall Street Journal (Mỹ) cho biết Thụy Sĩ kéo dài việc đóng băng trong vòng 3 năm đối với hơn 3/4 trong số 1 tỉ USD tài sản của 2 nhà độc tài Ben Ali và Hosni Mubarak, kể cả các ngân quỹ ở trong tay 2 nhà lãnh đạo Tunisia và Ai Cập. Tháng 12-2013, nội các Thụy Sĩ cho rằng quyết định trên cung cấp thêm thời gian cho các cuộc điều tra hình sự chống lại 2 ông Hosni Mubarak và Ben Ali để xác định nguồn gốc của các khoản tiền trên. Lệnh phong tỏa tài sản đó còn bao gồm cả các khoản tiền trong tài khoản ở Thụy Sĩ của những kẻ thân cận với 2 nhà độc tài này. Ông Mubarak, đã cai trị Ai Cập trong suốt 30 năm, hiện đang bị quản thúc tại gia và vẫn phải hầu tòa trong khi ông Ben Ali đã chạy trốn sang Ả Rập Saudi sau khi cai trị Tunisia trong 23 năm.

Nhà chức trách Thụy Sĩ tiếp tục làm việc với chính quyền ở Ai Cập và Tunisia trong mấy năm qua và đã đạt được tiến bộ trong việc xác định nguồn gốc số tài sản bị phong tỏa ở Thụy Sĩ. Năm 2012, cảnh sát Tây Ban Nha đã tịch thu được 28 triệu euro tiền mặt do ông Mubarak, gia đình và các thuộc hạ nắm giữ.

Ráo riết săn tìm “kho báu”

Ngay sau khi nổ ra các cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả Rập, nhà chức trách Canada cũng đã kiểm tra gần 4,3 tỉ USD trong các tài khoản đáng ngờ thuộc về các nhà độc tài và giới chức tham nhũng. Theo báo The Canadian Press, lực lượng cảnh sát quốc gia đã làm việc với Bộ Ngoại giao, ngành công an, tình báo và các ngân hàng Canada để xác định danh tính chủ sở hữu và đóng băng những tài sản đó. Một số tài sản không được tiết lộ liên can đến Syria cũng đã bị đóng băng.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Qatar Hasan al-Ghanem cho rằng cần thêm nhiều đòn bẩy quốc tế để có thể tố cáo những khối tài sản khổng lồ tại những quốc gia được mệnh danh là “thiên đường an toàn”. Thế nhưng, hiện vẫn còn một vấn đề làm nản lòng người dân tại các quốc gia nổ ra cuộc nổi dậy – đó là không thể phục hồi những “kho báu” đã được cất giấu của Hosni Mubarak, Zine El Abidine Ben Ali và Muammar Gaddafi. Công chúng tại các nước Ai Cập, Tunisia và Libya hy vọng rằng việc khôi phục trên toàn cầu khối tài sản bị đánh cắp sẽ giúp tạo ra một kỷ nguyên phồn thịnh mới ở khu vực này thông qua việc bơm tiền vào các dự án công – thương.

Theo tạp chí Forbes, gần 300 tỉ USD vẫn còn cất giấu ở các ngân hàng nước ngoài và các thiên đường trốn thuế. Báo The Guardian trích dẫn lời một chuyên gia về Trung Đông cho biết tài sản của gia đình cựu tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak ước tính 70 tỉ USD trong khi tài sản của cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi ước tính 200 tỉ USD. Còn theo đài BBC, cựu tổng thống Tunisia Zine El Abidine Ben Ali chỉ quản lý 10 tỉ USD. Tuy nhiên, không ai biết chính xác tất cả số tiền đó hiện giờ ở đâu. Ba năm sau khi nổ ra cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả Rập, người ta vẫn đang ráo riết săn tìm “kho báu” được cất giấu này. Trong khi đó, các quốc gia Tunisia, Ai Cập và Libya còn đang ngóng chờ điều kỳ diệu từ nguồn tiền trên để vực dậy nền kinh tế.

Báo The Economist thừa nhận số tài sản thuộc về các nhà độc tài bị lật đổ nêu trên đã được xác định và bị đóng băng ở nước ngoài chỉ là một phần “nhỏ nhoi” – hơn 1 tỉ USD. Tuy nhiên, những gì thu lại được còn đáng nực cười hơn: Đó chỉ là một căn nhà ở London trả cho Libya, 28 triệu USD thu hồi từ Lebanon được trả cho Tunisia, còn Ai Cập gần như không được gì. Có nhiều lý do dẫn đến kết quả kém cỏi nêu trên: Có thể do con số ước tính quá cao và không chính xác hoặc do cơ chế xác định tài sản và chủ sở hữu hợp pháp của chúng quá phức tạp. Thậm chí, có người còn biện luận rằng phương Tây đứng đằng sau các quy định của ngân hàng để ngăn chặn việc thu hồi khối tài sản khổng lồ trên.

Tiền của dân

Tổng thống Barack Obama đã lên tiếng tái xác nhận sự ủng hộ của Mỹ đối với các nước tham gia phong trào Mùa xuân Ả Rập trong việc tìm cách khôi phục hàng tỉ USD đã được các quan chức cao cấp của chế độ bị lật đổ gửi ra nước ngoài. Thế nhưng, một cố vấn của Tổng thống Obama lưu ý rằng nhiều trở ngại pháp lý vẫn còn đó khiến việc theo dõi và tìm lại những số tiền “cướp của dân” – được che giấu dưới những cái tên giả và những công ty bù nhìn. Phát biểu tại một hội nghị ở Doha – Qatar bàn về việc khôi phục các ngân quỹ vốn nằm trong tay các nhà cai trị độc tài đã bị lật đổ ở Libya, Tunisia và Ai Cập, Tổng thống Obama tuyên bố: “Số tiền đó không thuộc về những kẻ nắm quyền lực mà chúng thuộc về nhân dân”.

————–

http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/trung-tri-cac-nha-doc-tai-20140401220013191.htm